Là thành phố cảng, thành phố công nghiệp lâu đời, trung tâm của vùng duyên hải Bắc bộ, cửa ngõ giao thương của các tỉnh phía Bắc hướng ra thế giới và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hải Phòng có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh đối với cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu phát lệnh khởi công dự án.
Những năm gần đây, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, khơi dậy mạnh mẽ nội lực, Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện . Kinh tế tăng trưởng cao, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước; hạ tầng giao thông kỹ thuật, đô thị ngày càng hiện đại; Hải Phòng đang trở thành tâm điểm dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Trong tổng thể phát triển đó, Cảng Hàng không Cát Bi Hải Phòng đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 38% (giai đoạn 2005-2011); hiện là Cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng hành khách lớn nhất cả nước và được dự báo sẽ sớm đạt mức 1 triệu hành khách/năm. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao trong khi hạ tầng khu bay lại đã xuống cấp, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình Cảng Hàng không Cát Bi nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không của thành phố Hải Phòng nói riêng và cả khu vực lân cận nói chung là rất cần thiết và cấp bách.
Chính vì vậy, mặc dù, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động , tích cực của thành phố Hải Phòng - chủ đầu tư dự án, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Giao thông vận tải, chỉ trong 5 tháng, kể từ ngày phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, dự án đã hoàn tất mọi thủ tục để khởi công.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng khu bay Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có tổng mức đầu tư trên 3.660 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2013 - 2015. Đây là dự án sân bay lớn, theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E, là sân bay dự bị đầy đủ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đảm bảo cho các loại máy bay B777, B747, B767, A321 và tương đương cất hạ cánh an toàn. Theo quy hoạch, đến năm 2015, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ đón 2 triệu hành khách/năm.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, mạnh dạn của thành phố Hải Phòng trong quá trình triển khai làm chủ đầu tư một dự án lớn, quan trọng, đã cùng các Bộ, ngành liên quan, các nhà thầu triển khai nhanh việc thực hiện công tác quy hoạch, khắc phục nhiều khó khăn vướng mắc trong việc làm các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ bản để cho dự án được khởi công đúng tiến độ. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng nói riêng cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước nói chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Để dự án triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, thành phố Hải Phòng và các nhà thầu, tư vấn, đơn vị thi công phải có sự phối hợp chặt chẽ để chủ động, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; thực hiện đúng các cam kết, các quy định, pháp luật của Nhà nước về đầu tư xây dựng , đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy - Vinashin ) tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là quốc gia biển và với vị trí quan trọng của biển, từ rất sớm Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư vào các ngành kinh tế biển, trong đó có ngành đóng tàu. Phát triển ngành đóng tàu vừa để phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từ địa kinh tế chính trị, từ mục tiêu phát triển đặt ra yêu cầu khách quan phải phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.
"Chúng ta ghi nhận những kết quả tích cực mà ngành đóng tàu đạt được, song cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém; xử lý nghiêm khắc những sai phạm trong ngành. Không vì những yếu kém, khuyết điểm mà phủ nhận những kết quả đạt được và bỏ ngành công nghiệp ngành đóng tàu; phải giữ cho được ngành công nghiệp đóng tàu. Hiện nay, Vinashin đang rất tích cực trong tái cơ cấu", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Biểu dương những kết quả sản xuất, kinh doanh mà Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm đạt được trong những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Công ty tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, chủ động thực hiện phương án tái cơ cấu phù hợp với năng lực của Công ty, trong đó đặc biệt lưu ý tới củng cố cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hiện có, đẩy mạnh dịch vụ sửa chữa tàu, khai thác tốt tiềm năng của ngành công nghiệp tàu thủy nước ta; từng bước và có lộ trình đổi mới công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến trong hoạt động đóng mới, sửa chữa tàu … Đồng thời tăng cường đoàn kết nội bộ, quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, tạo thu nhập ổn định cho người lao động .
Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm - tiền thân là Xí nghiệp cơ khí Hải Phòng, được thành lập ngày 28/5/1959, có mặt bằng nằm bên bờ sông Tam Bạc, diện tích 5,9 ha. Trong giai đoạn mới thành lập t ừ năm 1959 – 1964, nhà máy chuyên đóng mới và sửa chữa sà lan có sức chở từ 30T - 100T phục vụ ngành giao thông vận tải trong nước. Từ năm 1965 – 1998, đóng mới tàu cuốc 275m3/h của Liên Xô, sà lan đến 250T cho Ba Lan, Rumani, Triều Tiên, Thụy Điển, tàu hàng đến 650T, tàu cao tốc phục vụ cho ngành giao thông vận tải và phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ năm 1999 – 2001, đóng mới tàu kéo, tàu khách, tàu hàng đến 2500T, tàu cao tốc vỏ hợp kim nhôm phục vụ trong nước, ngoài ra còn đóng mới du thuyền cho Pháp, tàu kéo 1000CV xuất khẩu sang Singapore và tàu cứu thương xuất khẩu. Trong giai đoạn từ năm 2002 cho tới nay, nhà máy đóng mới tàu hàng đến 4000T và các loại tàu chuyên dụng xuất khẩu.