Năm 2001, anh Huy bắt đầu chuyển sang chuyên canh cây chè - thứ cây đặc trưng của vùng đồi gò Bắc Sơn. 10 năm cật lực với chè, song do quy trình canh tác còn tự phát nên năng suất cũng chỉ đạt 600kg/ha/tháng, sản phẩm lại chưa có thương hiệu nên giá bán chỉ dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các loại chè khác. Mãi tới năm 2011, được tập huấn về mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Huy đã mạnh dạn chuyển đổi một nửa diện tích chè đang có sang phương thức sản xuất mới. Khó khăn cũng chất chồng khi là người tiên phong ứng dụng mô hình mới, từ lo cây giống, vốn liếng tới kỹ thuật chăm sóc, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân và Quỹ tín dụng địa phương, cộng với số tiền tích cóp được, anh đã “bắt tay” với chè sạch VietGAP.
Để có được sản phẩm có chất lượng, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, anh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc như thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, phòng ngừa sâu bệnh, bón phân, kiểm soát các chỉ số an toàn trong đất, nước tưới, thời gian thu hái, sao chè... Định kỳ sẽ có chuyên gia về lấy mẫu đất, nước và mẫu chè xét nghiệm các thông số an toàn. Những nỗ lực của anh Huy đã được đền đáp, khi cuối năm 2012, sản phẩm chè sạch của anh đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Hiện nay, với 1ha đã chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới, mỗi tháng, anh thu được khoảng 750kg chè tươi (tương đương 150kg chè khô). Nhờ sản xuất theo quy trình mới, sản phẩm chè đạt chất lượng cao nên giá bán cũng theo đó được nâng lên, dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/kg tùy thời điểm. Anh Huy đã có tích lũy tài chính, tự trang bị được các thiết bị như máy sao chè, máy hút chân không và có một trang web riêng để giao dịch, quảng bá sản phẩm.
Năm 2014, sản phẩm chè VietGAP của anh đã được Giải Bạc trong Festival chè Thái Nguyên. Và hơn tất cả là sau khi thấy được hiệu quả từ mô hình này, nhiều hộ gia đình trong và ngoài xã Bắc Sơn đã tìm đến học tập kinh nghiệm. Đến nay, chỉ riêng trên địa bàn xã đã có tới 40ha chè trồng theo quy trình VietGAP và kinh tế các hộ đều được cải thiện rõ rệt.