Giao hảo, kết chạ ngàn đời
Sau khi hợp nhất, Hà Nội trở thành địa phương giàu có về di sản nhất cả nước với 5.922 di tích được kiểm kê (khu vực Xứ Đoài - Sơn Nam thượng là 3.969 di tích), gồm nhiều loại hình: Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, thành cổ, làng cổ, phố cổ... có niên đại trải dài nhiều thời kỳ phát triển của đất nước. Hà Nội vinh dự sở hữu 1 di sản thế giới, 13 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích cấp quốc gia và 1.264 di tích cấp tỉnh, TP. Trong số đó, khu vực Xứ Đoài - Sơn Nam thượng có các di tích nổi tiếng, có giá trị như chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Đậu... Nổi tiếng là hệ thống đình xứ Đoài như Tây Đằng, Chu Quyến, Thụy Phiêu… Đặc biệt, hòa cùng Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và các di tích trong hệ “Tứ trấn” của Thăng Long, khu phố cổ, phố cũ và các di sản đô thị đã đưa Hà Nội trở thành một trung tâm văn hóa với truyền thống ngàn năm văn hiến mà không nơi nào có được.Một trong những giá trị cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội đang được lưu giữ, phát huy trong các bảo tàng, di tích và các bộ sưu tập tư nhân là những bảo vật quốc gia. Đến nay, Hà Nội có 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia thuộc nhiều thời kỳ lịch sử, trong đó có 7 nhóm lưu giữ tại các di tích khu vực Hà Tây trước đây có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như hệ thống tượng Tổ truyền đăng chùa Tây Phương, Tượng nhục thân các vị thiền sư chùa Đậu…Hà Nội còn có không ít di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là lễ hội truyền thống ở các địa phương. Lễ hội phong phú, đa dạng từ quy trình thực hành, các nghi lễ đến các lễ vật, trò diễn dân gian. Nhiều lễ hội vượt ra ngoài phạm vi của một địa phương, bao trùm lên nhiều xã, huyện, như: Lễ hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng; Hội đền Và thờ đức thánh Tản; Hội làng Tự Nhiên thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung… Có những hội làng đến nay vẫn giữ nguyên truyền thống giao hảo, kết chạ hàng trăm năm như Hội chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian. Nổi tiếng nhất là Lễ hội chùa Hương gắn liền với Bà chúa Ba - đức Quan Thế Âm Bồ tát là lễ hội dài nhất nước, mỗi năm đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan, hành hương lễ Phật.
Trong kho tàng văn hóa ấy còn phải kể đến hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian cùng kho tàng di sản Hán Nôm: Văn bia, hương ước, gia phả, địa bạ, thần phả...Phân cấp để giữ gìnVới số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể lớn như vậy, trọng trách đặt lên vai những người làm công tác quản lý văn hóa không nhỏ. Từ nhiều năm nay, TP đã phân cấp quản lý di tích theo 2 cấp: Cấp TP và cấp quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc: Cấp nào quản lý trực tiếp thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Việc phân cấp, phân nhiệm rõ ràng đến tận cơ sở, do vậy, công tác quản lý, bảo tồn di tích đã đạt được những kết quả khả quan, thời gian gần đây không còn điểm nóng về di tích.Với 5.922 di tích, trong đó có những di tích ngàn năm tuổi, việc bảo tồn là một quá trình gian nan và tốn kém. Hàng năm, ngân sách TP và các quận, huyện đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, đồng thời, cũng huy động nguồn kinh phí xã hội hóa khá lớn cho công tác này. Bên cạnh đó, do quá trình lịch sử để lại nhất là thời kỳ sơ tán trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chạy lụt năm 1971, trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại khoảng 300 hộ dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, đây là một trong những tồn tại khó khăn của công tác quản lý bảo vệ di tích.
Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội |