Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi nguồn sức mạnh thi đua yêu nước lan tỏa từ những việc làm

Bài, ảnh: Hà Linh
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Sáng nay 2/6, với chủ đề “Khơi nguồn sức mạnh”, chương trình biểu dương, tôn vinh các phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến đã diễn ra tại Nhà hát lớn TP Hà Nội.

Tại chương trình, các đại biểu đã được chứng kiến phần giao lưu vô cùng xúc động của các cá nhân có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội qua các thời kỳ.
Đó là ông Trịnh Ngọc Trình, nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Trung úy Nguyễn Văn Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 12, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Nơi trao nhận niềm tin, khơi thêm nguồn hạnh phúc
Một trong những người có công với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trở thành nơi trao nhận niềm tin, khơi thêm nguồn hạnh phúc, đó chính là thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh-Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, một tấm gương điển hình của đội ngũ trí thức Hà Nội. Bác sĩ Ánh là chủ nhiệm của nhiều chương trình đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, lãnh đạo của 2 trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông cũng chính là tác giả của nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới.
 

Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh-Giám đốc Phụ sản Hà Nội.

Để tạo nên thành công ngày hôm nay, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho rằng đó là sự tin yêu của Nhân dân Thủ đô, đặc biệt là sự đồng lòng, đoàn kết, cố gắng của tập thể cán bộ bệnh viện đưa bệnh viện lên một tầm cao mới như hiện nay. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh mong rằng, tất cả mọi người đều đi theo triết lý của ban lãnh đạo Bệnh viện, đó là quan niệm, bệnh viện là một ngôi nhà lớn, mỗi một phòng là một ngôi nhà nhỏ, các thành viên trong bệnh viện là các thành viên trong một gia đình. Khi đã là một gia đình, các thành viên trong ngôi nhà đó thương nhau, đoàn kết cùng bảo ban nhau làm việc, tạo nên niềm tin yêu của Nhân dân.
Qua câu chuyện chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho thấy, nguyên nhân quan trọng nhất và tích cực nhất đó là sự đồng lòng của một tập thể đoàn kết dưới sự dẫn đường của một người thuyền trưởng.
Khơi nguồn sức mạnh thi đua yêu nước tới người có công
Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình, được thành lập từ năm 1978 với nhiệm vụ điều dưỡng 650 thương, bệnh binh.
 Chị Dương Thị Hương – cán bộ phòng y tế - Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.
Hiện nay, Trung tâm có 54 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; làm nhiệm vụ chăm sóc thường xuyên 55 đối tượng chính sách và làm nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên người có công. Từ năm 1999 đến nay, Trung tâm thực hiện điều dưỡng luân phiên được gần 38.000 lượt người có công. Riêng năm 2017, Trung tâm được giao nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên 2.112 lượt người có công.  Chị Dương Thị Hương – cán bộ phòng y tế - Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công cho biết, ngoài nhiệm vụ chính là nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, hàng ngày cơm nước, chăm sóc sức khỏe cho các cụ qua những giờ tập thể thao hàng ngày. Có những đối tượng già yếu, cán bộ nhân viên phải thay nhau trực, chăm sóc 24/24h. Trung tâm còn thực hiện các phong trào cùng việc trau dồi các kiến thức, nhận thức, khơi nguồn sức mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh tới các đối tượng người có công và các cán bộ nhân viên của đơn vị.
Nhà giáo ưu tú bồi đắp, lan tỏa tới thế hệ học sinh
Nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Lan Hương (SN 1972), giáo viên - Tổ phó tổ vật lý kĩ thuật Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, 23 năm liên tục trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi, trong đó có 25 em đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, có 16 sáng kiến, đề tài khoa học được công nhận. Các công việc chuyên môn, xã hội lúc nào cùng hướng đến lời kêu gọi thi đua ái quốc, bởi đó là những công việc thường xuyên phải là.
 Nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên - Tổ phó Tổ vật lý kĩ thuật Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ
“Để hiện thực hóa những việc làm có sức lan tỏa lớn đến thế hệ học sinh, xã hội, bản thân người giáo viên luôn ghi nhớ, khẳng định, phát huy, làm tốt công tác chuyên môn cũng như giữ chuẩn mực đạo đức của nhà giáo" - NGƯT Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ.
Tuệ Tĩnh đường chữa bệnh cho người nghèo
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, nhiều năm tích cực tham gia các hoạt động xã hội và lập Tuệ tĩnh đường Vạn Phúc để chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
 Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từ năm 2000 trở lại đây, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội tham gia công tác giáo hội và thường xuyên tham gia các phong trào của TP, của địa phương và vận động bà con sống tốt đời đẹp đạo, đặc biệt, các phong trào cưới tang văn minh tiến bộ. Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ là người thường xuyên đi chia sẻ với Nhân dân để nhận thức về vấn đề tang lễ, làm thế nào phù hợp với đạo phật và xã hội bây giờ. Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ cũng là người chú trọng đến công tác từ thiện xã hội.
Trung bình mỗi tháng, Thượng tọa vận động được trên dưới 20 triệu đồng để khám từ thiện vào những đợt lễ kỷ niệm cho những đối tượng chính sách, nạn nhân da cam hay các cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. “Với cương vị là một vị tu sĩ, là người Thủ đô sẽ cố gắng hết sức để làm cho Thủ đô ngày càng tốt đẹp hơn và Nhân dân được ấm no, hạnh phúc hơn” - đó là tâm nguyện của Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ.
Trung úy quên mình cứu người giữa biển lửa
Trung úy Nguyễn Văn Tiến (SN 1990) - chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 12, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đã dũng cảm tay không leo lên căn nhà đang cháy để cứu sống 5 người trong một gia đình.
 Trung úy Nguyễn Văn Tiến - chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 12, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội.
Chia sẻ về câu chuyện xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà 5 tầng ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cách đây gần 1 năm, Trung úy Tiến bảo, không biết vì sao giây phút ấy nỗi sợ hoàn toàn tan biến, chỉ có một suy nghĩ phải cứu người nên tôi đã vươn mình, treo lơ lửng trên tường để leo vào tầng 4. Cũng như bao người đồng đội khác, nếu như vào tình huống đó, ai cũng sẽ có những hành động quên mình để cứu người. “Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ lao vào cứu người, cho dù có hiểm nguy. Đây không phải là lần đầu tiên tôi cứu người gặp nạn”, Trung úy Tiến khẳng định.
Thông qua những câu chuyện, những nhân vật và những tấm gương điển hình thì có thể khẳng định rằng, trải qua rất nhiều những giai đoạn khó khăn của Tổ quốc, đất nước, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.