Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khôi phục và đầu tư mới nhiều trạm cấp nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi hàng ngàn người dân tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội thiếu nước sạch thì nhiều trạm cấp nước sau khi được đầu tư xây dựng lại bị bỏ hoang. Vì sao lại có nghịch cảnh như vậy? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Khôi phục và đầu tư mới nhiều trạm cấp nước - Ảnh 1
 Thưa ông, suốt thời gian qua người dân xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai phải sử dụng nước ao tù do không có nước sạch sinh hoạt. Ông nghĩ sao về điều này?

- Hà Nội hiện còn nhiều nơi thiếu nước sạch, trong đó có các xã Chàng Sơn (Thạch Thất), Ngọc Mỹ (Quốc Oai)… như báo chí đã nêu. Tính đến thời điểm này, Hà Nội mới có 34% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Do vậy, số lượng người dân chưa được sử dụng nước sạch còn rất nhiều, chiếm tới trên 60%. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các huyện ngoại thành tạm chia thành hai khu vực, đó là: Khu vực thiếu nước do không có nước như các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Ở những huyện này, người dân khoan giếng sâu đến hàng chục mét vẫn không có nước. Khu vực thứ hai có nước nhưng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, tập trung ở các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên. Những tồn tại trên đã khiến người dân ở những khu vực này rất bức xúc.

Trong khi thiếu nước sạch thì tại sao nhiều trạm cấp nước ở ngoại thành, sau khi được đầu tư lại bị bỏ hoang, thưa ông?

- Đúng là có trạm cấp nước bị "đắp chiếu". Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này, ở các huyện ngoại thành có 19 trạm cấp nước đã đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên trước hết là do cơ chế đầu tư. Theo cơ chế đầu tư hiện nay, vốn ngân sách Nhà nước rót 60%, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác là 30%, số còn lại 10% do người dân đóng góp. Cơ chế xã hội hóa như vậy là hợp lý, tuy nhiên không phải nơi nào, người dân cũng tham gia được. Ở nhiều huyện, doanh nghiệp đầu tư sau khi sử dụng hết nguồn vốn của Nhà nước là dừng lại. Thứ hai là do, việc đầu tư không quy về một mối mà được nhiều ngành, nhiều cấp tham gia. Thông thường, các trạm cấp nước sạch ở khu vực nông thôn được giao cho ngành nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, có trạm lại được giao cho nhiều ngành quản lý. Các trạm này thường được cơ quan chủ quản giao cho các đơn vị chủ đầu tư làm việc trực tiếp với huyện, xã, doanh nghiệp. Vì nhiều mối như vậy nên dẫn đến việc đầu tư không đồng bộ.

Một nguyên nhân nữa, đó là cơ chế quản lý công trình sau đầu tư không đồng bộ. Có trạm do xã quản lý, có trạm do doanh nghiệp quản lý… Quá trình vận hành khai thác không có chế độ bảo dưỡng phù hợp nên sau khi khai thác được một thời gian, các thiết bị bị xuống cấp, hư hỏng, không có vốn để tái đầu tư nên không tiếp tục hoạt động được. Mặt khác, do trước đây chưa có quy hoạch nên mạnh ai nấy làm; chỗ chưa cần đã đầu tư, dẫn đến xây dựng xong không vận hành được, công trình để lâu dẫn đến hư hỏng, gây lãng phí.

Khôi phục và đầu tư mới nhiều trạm cấp nước - Ảnh 2

Người dân thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai đang phải sử dụng nước ao bẩn làm nước sinh hoạt.  Ảnh: Nam Bắc

 Theo chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội, đến năm 2016, TP sẽ có 60% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Để đạt được mục tiêu này, Sở NN&PTNT có giải pháp gì?

- Mục tiêu đến năm 2016, Hà Nội có 60% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Nghĩa là so với bây giờ, Hà Nội phải phấn đấu có thêm 26% (khoảng trên 1 triệu dân) nông thôn được sử dụng nước sạch. Đây là một nhiệm vụ nặng nề. Do vậy, Sở NN&PTNT đã đưa ra các giải pháp cụ thể: Khắc phục, khôi phục lại 19 trạm cấp nước. Trong đó, 3 trạm cho dừng triển khai, 9 trạm giao cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và 7 trạm đang kêu gọi đầu tư.

Ngoài khôi phục 19 trạm cấp nước, Sở NN&PTNT đề nghị TP đầu tư 6 trạm cấp nước tại các huyện đã được TP chấp thuận đầu tư, dự kiến trong tháng 6/2013 sẽ trình TP phê duyệt. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Thế giới cho vay đầu tư 7 dự án đến năm 2015. Tiếp tục đầu tư xây dựng 40.000 bể lọc cho các hộ gia đình tại các huyện. Đồng thời ký kết với 2 công ty mở rộng mạng lưới đấu nối để đưa nước sạch ra các huyện ven đô.

Trước mắt, đối với tình trạng thiếu nước của người dân ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP có biện pháp giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Theo tinh thần chỉ đạo của TP, trước hết, phải tập trung khắc phục tình trạng thiếu nước ở những vùng khó khăn về nước. Do vậy, đối với trường hợp ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Sở NN&PTNT đã họp với Sở KH&ĐT thống nhất phương án: Đối với thôn Ngọc Than, người dân đang dùng nước ao, trước mắt sẽ cung ứng bể lọc cho các hộ dân lắp thử, sau đó tiến hành kiểm tra xem chất lượng nước có đảm bảo không, nếu đảm bảo sẽ cho lắp đại trà. Đối với thôn Phú Mỹ (không có nước, không có ao), Sở NN&PTNT đang bàn với huyện phương án có thể dùng xe téc để chở nước sạch đến cho người dân. Về lâu dài, hiện trên địa bàn huyện Quốc Oai có Công ty Ngọc Hải đang đầu tư dự án nước sạch ở thị trấn Quốc Oai, nhưng chưa có khả năng cung cấp đủ nước cho người dân. Vì vậy, Sở NN&PTNT sẽ đề nghị TP cho Công ty Ngọc Hải đấu nối với Công ty Vinaconex để cung cấp nước sạch cho thị trấn Quốc Oai và cả xã Ngọc Mỹ.

Xin cảm ơn ông!