70% kiều hối “đi” vào sản xuất, kinh doanh
Lượng kiều hối chuyển về nước tăng ổn định hàng năm do 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, Việt Nam ngày càng gia tăng cả lượng và chất cộng đồng hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống, hòa nhập tại hơn 187 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và hơn 540.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Thứ hai, chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày càng chủ động hội nhập và cởi mở, khuyến khích thu hút kiều hối, tăng quyền cho Việt kiều và người nước ngoài được tự do hóa đầu tư, mua bán bất động sản (hiện trên cả nước đã có hơn 3.000 DN, với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD, của người Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư và khoảng 1.000 người nước ngoài đăng ký sở hữu nhà).
Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ chuyển - nhận tiền nhanh, với mức phí thấp và các tiện ích hấp dẫn khách hàng khác. Thứ tư, lãi suất ở nhiều nước ngày càng giảm và niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định và lạm phát ở Việt Nam ngày càng tăng…
Theo WB, năm 2019, các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới lần lượt là Ấn Độ (với 82,2 tỷ USD, chiếm 2,8% GDP), Trung Quốc (70,2 tỷ USD, chiếm 0,5% GDP), Mexico (38,7 tỷ USD), Philippines (35,1 tỷ USD, chiếm 9,8% GDP), Ai Cập (26,4 tỷ USD), Nigeria (25,4 tỷ USD), Pakistan (21,9 tỷ USD), Bangladesh (17,3 tỷ USD), Việt Nam (16,7 tỷ USD) và Ukraine (15,9 tỷ USD). |
Với trung bình khoảng 70% lượng kiều hối “đi” vào sản xuất, kinh doanh và khoảng 20% “đổ” vào thị trường bất động sản, kiều hối là một trong những nguồn cung ngoại tệ trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam góp phần tăng vốn đầu tư, nguồn cung ngoại tệ cho thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối quốc gia; cũng như tăng nguồn tiền gửi tiết kiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Đặc biệt, kiều hối cùng với du lịch, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giúp tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc ổn định tỷ giá thời gian qua và trong tương lai. Giai đoạn 2002 - 2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP cả nước, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP.
Hơn nữa, trên thị trường đang có những xu hướng tích cực là định hướng dòng kiều hối thành vốn đầu tư, kinh doanh hoặc thay vì nhận kiều hối qua kênh dịch vụ, người nhận đã mở tài khoản nhận USD ở ngân hàng thương mại, rồi chuyển sang VND để gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn. Đây cũng là hiệu ứng tích cực của các chính sách Nhà nước về khuyến khích đầu tư tư nhân, thực thi chính sách tỷ giá trung tâm linh hoạt, kiểm soát lạm phát và đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, cải thiện tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Tiếp tục khai thông dòng vốn
Về triển vọng, để duy trì và tiếp tục khai thông, định hướng sử dụng có hiệu quả dòng kiều hối về Việt Nam, việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách hiện có, đồng thời xem xét toàn diện và tổng thể tình hình trong nước và quốc tế, tính tới sự đồng bộ cũng như tác động hai mặt của chính sách quản lý ngoại hối nói riêng, môi trường đầu tư nói chung, đẩy mạnh khơi thông dòng kiều hối và khuyến khích kiều bào đầu tư, kinh doanh “ích nước, lợi nhà” đang đặt ra cấp thiết.
Đặc biệt, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cần kiến nghị những chính sách, biện pháp đột phá mới, tạo điều kiện hơn nữa và khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nhất là ở các địa bàn quan trọng, có đông người Việt Nam ở nước ngoài để chủ động đổi mới, đa dạng hình thức vận động, chú trọng tập hợp thu hút các thế hệ kiều bào trẻ hướng về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa công tác dạy và học tiếng Việt đi vào chiều sâu. Cùng với đó, duy trì có hiệu quả các hình thức, như Diễn đàn “Kết nối startup Việt trong và ngoài nước”; chương trình gặp mặt người Việt làm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trong và ngoài nước…
Ngoài ra, cùng với việc cho phép chuyển tiền hộ qua người thân, cần chú ý tăng cường thông tin, đa dạng hóa kênh chuyển tiền và phát triển mạnh các dịch vụ chuyển kiều hối chính thống, nhanh, rẻ, tiện lợi và an toàn, qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện, cũng như các công ty chuyển tiền nhanh hợp pháp.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại ở nước ta đã tham gia vào SWIFT và liên tục được SWIFT củng cố, cập nhật những thay đổi liên quan đến hệ thống thanh toán của các thành viên SWIFT trên thế giới. Trong khi hiện các ngân hàng vẫn đang là tổ chức có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm, luôn tư vấn cho khách hàng về quy trình thủ tục giao dịch đầy đủ và bảo đảm cho khách hàng tránh được các rủi ro trong thanh toán quốc tế.
Hàng năm, Bank of New York Mellon, Standard Chartered Bank, Citibank, HSBC, Wells Fargo, JP Morgan Chase… đều tổ chức đánh giá chất lượng thanh toán quốc tế của các ngân hàng TMCP Việt Nam trên cơ sở phân tích về khả năng thực hiện các giao dịch thanh toán thông suốt về tổng thể cũng như mức độ chuyên nghiệp và chất lượng của từng giao dịch hàng ngày của các ngân hàng.
Trong đó, tỷ lệ thanh toán đạt chuẩn STP (Straight - Through - Processing) là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng việc thực hiện thanh toán tự động của các ngân hàng. Một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)… đã tận dụng khá tốt đều đạt tỷ lệ STP trên 90% theo đánh giá của các đối tác quốc tế, không chỉ thu hút thêm nguồn tín dụng dồi dào mà còn giúp gia tăng nguồn vốn ngoại tệ quan trọng cho đầu tư phát triển.