Nguy cơ bong bóng có thể xảy ra, nhưng các chuyên gia cho rằng không cần phải quá lo ngại về chuyện tăng giá bất động sản (BĐS) ở thời điểm hiện tại. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia nghiên cứu và Tư vấn BĐS Đỗ Thị Thu Hằng xung quanh vấn đề này.
Chuyên gia Đỗ Thị Thu Hằng. |
Từ đầu năm đến nay, giá BĐS tiếp tục ghi nhận có sự gia tăng về giá, cá biệt tại một số khu vực có quy hoạch dự án hạ tầng giao thông, mức tăng ở ngưỡng từ 30 - 40%. Bà có đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu và nhu cầu đang tăng điều đó khiến cho giá cũng tăng theo. Cùng với đó là yếu tố về dân số, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông... cũng có tác động không nhỏ đến việc tăng này. Hiện nay, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đang có sự kiểm soát chặt chẽ về nguồn vốn vay, điều đó sẽ hạn chế được việc cho vay để đầu cơ một cách thiếu kiểm soát.
Tôi cho rằng mặc dù có sự gia tăng về giá bán, nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang duy trì được nhịp tăng trưởng ổn định và vẫn trong vùng kiểm soát an toàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá BĐS hiện nay vượt quá xa so với thu nhập của đại bộ phận người dân và cần phải kéo giảm giá bán, theo bà thì sao?
- Trước hết có thể khẳng định, một khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thì thu nhập của người dân tăng, thị trường BĐS đa dạng về sản phẩm mua, thuê… sẽ đảm bảo cơ hội cho mọi đối tượng có nhu cầu. Kéo giá nhà xuống trong điều kiện hiện nay đòi hỏi rất nhiều giải pháp từ nhiều bên. Việc điều hành thị trường BĐS hoạt động ổn định, bền vững tương tác cùng phát triển với nền kinh tế mới là nhiệm vụ quan trọng hơn cả.
Riêng đối với thị trường BĐS, tôi cho rằng đang ở giai đoạn phát triển, nhà đầu tư lớn tham gia thị trường đã có kinh nghiệm. Với mỗi vị trí và điều kiện bàn giao, khách mua có thể tính được giá hợp lý. Vì vậy, chúng ta không cần quá lo ngại chuyện mức giá.
Vậy làm thế nào để thị trường BĐS có sự ổn định về giá bán?
- Nếu có những chính sách đất đai thỏa đáng thì có thể hạn chế được các hiện tượng tăng trưởng thiếu kiểm soát. Việc quản lý tốt những chính sách đất đai, chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nguồn cung nhà ở, đặc biệt cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp giữ vai trò trọng tâm.
Để có thể điều chỉnh giá nhà thì chúng ta cần có thêm nguồn cung và cách tiếp cận, thay vì cố tình thâu tóm và hạ giá nhà ở, đây là việc rất khó có thể thực hiện.
Năm 2021, một số dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải rà soát lại tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường. Tương lai, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn tới thị trường Việt Nam, mang tới sự đa dạng trong sản phẩm.
Đặc biệt, các nhà đầu tư hiện đang chú ý tới thị trường nhà ở giá rẻ, họ có thể sẽ mang lại sự phát triển cho những khu vực mới, các điểm tiếp cận mới, hệ thống đường xá mới và nhà xưởng mới. Điều này sẽ thúc đẩy sự mở rộng và phát triển cho thị trường BĐS ngoài Hà Nội và thậm chí là khắp Việt Nam.