Do tác động của biến đổi khí hậu khó lường, theo dự báo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, sẽ tiếp tục có nhiều trận mưa trên 100mm, kéo theo khả năng gây ngập cũng thất thường hơn trước.
Đáng chú ý, cơn mưa dữ dội vào chiều ngay 26/9 đã làm ngập 59 tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lượng mưa đo được tại trạm đo Mạc Đĩnh Chi lên đến 204mm, lớn nhất từ năm 1975 đến nay. Nguyên nhân gây ngập các tuyến đường TP Hồ Chí Minh được Trung tâm chống ngập xác định do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Ngoài ra, việc lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch cũng gây hạn chế dòng chảy. Bên cạnh đó, một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên cũng ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh, cơn mưa kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ chiều qua làm 59 tuyến đường ngập nặng từ 0,1 - 0,5m, diện tích ngập từ 100 - 30.000m2.
Thực tế cho thấy, việc tìm ra những giải pháp chống ngập do mưa và do triều cường một cách hiệu quả vẫn là vấn đề hóc búa lâu nay của chính quyền TP Hồ Chí Minh. Gần đây, địa phương này có những động thái mới thông qua việc huy động các nguồn lực (nhất là hợp tác công - tư) nhằm triển khai các dự án chống ngập quy mô lớn. Bên cạnh đó, để giảm ngập có tính căn cơ hơn trong tương lai thì giới chuyên gia lưu ý nên xem xét lại công tác quản lý đô thị là hết sức cần thiết.
Hiện, TP Hồ Chí Minh đã khởi động dự án chống ngập lên đến 10.000 tỷ đồng, để chống lại triều cường, mưa lũ và biến đổi khí hậu. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 năm tới. Nhưng trước mắt, người dân TP vẫn “dở khóc dở cười” mỗi khi xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn… Bởi, nguyên nhân ngập úng do quá trình đô thị hoá thiếu kiểm soát, tự phát. Ngoài ra, việc quy hoạch dưới những chính sách sai lầm về vị trí phát triển và cách thức tiến hành vẫn là điều nhức nhối ở TP này. Giới chuyên gia cho rằng quá trình đô thị hoá trong 15 năm trở lại đây tại TP Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự biến mất của gần 50 con kênh với tổng diện tích khoảng 16,4 hecta, san lấp 7,4ha hồ Bình Tiên (một trong những hồ chứa quan trọng của khu vực).
PGS.TS Lưu Đức Cường - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng cho rằng: Tình trạng ngập lụt liên quan mật thiết đến quá trình mở rộng đô thị. Vì vậy, việc phát triển đô thị cần thiết lập “Khu vực khuyến khích đô thị hoá” và “Khu vực đô thị hoá có kiểm soát” trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai như là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Một vấn đề nan giải là tình trạng xây dựng tự phát và các yếu kém trong quản lý cốt san nền đã gây ra tình trạng ngập lụt đô thị khi mưa to hay lúc triều cường. Cách khắc phục tốt nhất là phải phát triển đô thị trên quỹ đất đã được dự trữ theo quy hoạch, thực hiện chuẩn bị đất đai hoàn chỉnh rồi mới cấp đất cho các dự án bất động sản riêng lẻ. Mặt khác, các ngành chức năng cần rà soát, khắc phục “độ vênh” của các dự án thoát nước của TP, đồng thời cũng kiên quyết xử lý việc xây dựng tự phát trên đất ven nội và dọc các tuyến đường ngoại thành.
Chống ngập do mưa và triều cường là một trong 7 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh được ưu tiên thực hiện, qua việc triển khai dự án chống ngập lên đến 10.000 tỷ đồng. Nhưng nếu không kiểm soát quá trình đô thị hóa tốt thì khó có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng mỗi khi triều cường dâng cao hay vào mùa mưa lũ...