Thiệt hại nặng nề Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai xảy ra tuy ít hơn về số lượng nhưng cường độ tác động một số đợt ở mức cao kỷ lục. Trong đó, gây ảnh hưởng nặng nề nhất là hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, và nắng nóng, mưa lũ, giông lốc tại khu vực Bắc Bộ. Thống kê thiệt hại của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho thấy, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 37 người (trong đó có 28 người bị sét đánh); 5 người hiện vẫn bị mất tích và 108 người khác bị thương. Gần 386.000 hộ dân khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán bị thiếu nước sinh hoạt. Mưa lũ, giông lốc cũng khiến 665 ngôi nhà bị sập đổ và 22.677 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại. Bên cạnh thiệt hại về người, trên 102.000 gia súc, gia cầm đã bị chết; khoảng 500.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản cũng bị suy giảm năng suất ở các mức độ khác nhau. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 16.897 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, dù không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn như khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, và mưa lũ xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tuy nhiên, các hình thái thiên tai bất thường cũng khiến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn TP bị tác động. Cụ thể, mưa tuyết tại huyện Ba Vì cuối tháng 1, tình trạng nắng nóng kéo dài suốt tháng 4, trung tuần tháng 6, và mưa lớn cuối tháng 5 đã khiến nhiều diện tích cây trồng của bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề. Nhiều khu vực đô thị bị ngập sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, nhất là việc đi lại của người dân… Nâng cao tinh thần trách nhiệm Thiệt hại lớn về người, tài sản một lần nữa nhắc nhở các cấp, ban, ngành, địa phương và mỗi người dân không thể chủ quan trước những diễn biến ngày một phức tạp của thiên tai. Những năm gần đây, công tác PCTT luôn được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, coi là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tâm lý chủ quan trong việc triển khai công tác này vẫn còn hiện hữu tại không ít địa phương. Điều này được thể hiện qua thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, khi đến nay mới có 22/63 địa phương hoàn thành việc xây dựng và triển khai phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Và cũng chỉ 24/63 địa phương hoàn tất việc thành lập, đưa vào hoạt động Quỹ PCTT… Cùng với tâm lý chủ quan, việc triển khai Đề án 1002, Luật PCTT, Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ hiện cũng gặp không ít khó khăn. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, nhất là đối với hạn hán, mưa lũ, sạt lở đất. Việc lồng ghép PCTT vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập; có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức… Nhằm tiếp tục ứng phó hiệu quả trước diễn biến khôn lường của thời tiết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm triển khai kế hoạch PCTT cấp tỉnh, TP. Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương phục vụ nâng cấp hạ tầng PCTT. Thường xuyên rà soát các phương án ứng phó, tổ chức diễn tập PCTT. Ông Phát nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đây là giải pháp hữu hiệu mang tính dài lâu nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả thiên tai có thể xảy ra.q
Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Hoài Đức ngập chìm trong nước sau trận mưa lớn cuối tháng 5 vừa qua. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Từ đầu năm 2016 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tổng số tiền 1.165 tỷ đồng. Nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam khoảng 14 triệu USD nhằm khắc phục hậu quả thiên tai. |