Nhiều mức phí
Trong mùa tuyển sinh năm nay, rất nhiều câu hỏi của thí sinh và phụ huynh đặt ra liên quan đến việc thanh toán lệ phí xét tuyển.
Được biết, lệ phí xét tuyển sớm theo các phương thức khác nhau do các trường tự quy định. Mỗi trường, mỗi phương thức xét tuyển có mức lệ phí và cách tính lệ phí khác nhau. Có trường thu theo hồ sơ, có trường thu theo nguyện vọng, hoặc theo phương thức xét tuyển.
Thí sinh Nguyễn Thu Hà, quận Thanh Xuân, Hà Nội đăng ký 7 nguyện vọng vào 7 trường thì với các mức phí khác nhau. Cụ thể: Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) phí 200.000 đồng/hồ sơ; Trường ĐH Ngoại thương (hệ quốc tế), phí đăng ký là 1 triệu đồng; Trường ĐH Thương mại 20.000 đồng/1 nguyện vọng; Học viện Tài chính và Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều thu phí 100.000 đồng/hồ sơ; Trường ĐH Phenikaa phí 50.000 đồng/3 nguyện vọng; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phí 20.000 đồng/nguyện vọng…. Dù đã trúng tuyển sớm vào nhiều trường nhưng khi đăng ký trên cổng bộ, Thu Hà chỉ đăng ký 3 nguyện vọng và tiếp tục thanh toán tổng phí 60.000 đồng.
Với ĐH Bách khoa Hà Nội, lệ phí được thu theo từng phương thức xét tuyển khác nhau (ngoài mức phí thi Đánh giá năng lực là 300.000 đồng). Cụ thể, lệ phí đăng ký xét tuyển thẳng là 50.000 đồng, lệ phí đăng ký xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế hoặc theo hồ sơ năng lực là 150.000 đồng; thí sinh sử dụng các chứng chỉ VSTEP, IELTS hoặc tương đương còn phải chi thêm phí 50.000 đồng.
Phụ huynh Nguyễn Văn Minh thắc mắc: “Khi đăng ký xét tuyển sớm cho con tại các cơ sở đào tạo, tôi đều mất lệ phí xét tuyển và con tôi đã đỗ 5 nguyện vọng xét tuyển sớm. Vì là trúng tuyển có điều kiện nên con bắt buộc phải đăng ký các nguyện vọng này trên cổng bộ. Và khi đăng ký trên hệ thống chung theo quy định, con tiếp tục lại phải thanh toán lệ phí với mức 20.000 đồng/nguyện vọng. Như vậy, cùng 1 nguyện vọng nhưng con mất phí đến 2 lần. Liệu có phải là "phí chồng phí"?".
Hai công đoạn độc lập
Năm 2023, cả nước có khoảng 660.000 em đăng ký xét tuyển. Số nguyện vọng đăng ký lên hệ thống khoảng 3,4 triệu nguyện vọng; tương ứng khoảng 68 tỷ đồng lệ phí xét tuyển.
Trước câu hỏi của phụ huynh và thí sinh về việc tại sao cùng 1 nguyện vọng nhưng vừa phải đóng trực tiếp cho trường (qua xét tuyển sớm), vừa phải đóng cho Bộ (khi đăng ký trên hệ thống), Bộ GD&ĐT khẳng định: Đó là hai lệ phí tách biệt, thu hai lần cho hai công đoạn, hai công việc hoàn toàn khác nhau, không phải là "phí chồng phí".
“Vấn đề lệ phí xét tuyển đã được Bộ thống nhất với các cơ sở giáo dục. Lệ phí xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống là 20.000 đồng/nguyện vọng.
Các cơ sở đào tạo căn cứ vào mức này để đề ra mức lệ phí (nếu có) cho các phương thức xét tuyển riêng của mình. Trong trường hợp trường có thu lệ phí thì lệ phí của trường chỉ tính đến các việc trường thực hiện xử lý trong quá trình xét tuyển sớm, không bao gồm chi phí cho phần xử lý, sắp xếp trên hệ thống chung. Do đó, mức lệ phí 20.000 đồng/nguyện vọng gồm chi phí vận hành hệ thống và chi phí cho việc xử lý, sắp xếp của các trường trong quá trình này” – đại diện Bộ GD&ĐT giải thích.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, năm nay hệ thống phần mềm tuyển sinh được nâng cấp, mở rộng chức năng, cập nhật, đổi mới theo hướng thuận lợi hơn cho thí sinh và đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh.
Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh chỉ cần đăng ký theo ngành, không cần đăng ký theo phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển nhưng hệ thống vẫn sẽ tự chạy đảm bảo xem xét khả năng đỗ của thí sinh trên tất cả các phương thức, các tổ hợp xét tuyển mà hồ sơ, điểm số của các em có thể đáp ứng.
Hệ thống cũng cập nhật dữ liệu các kỳ thi riêng của các trường để xét tuyển cho thí sinh, không có sự phân biệt trúng tuyển sớm hay không. Thí sinh có kết quả trúng tuyển sớm theo điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá tuyển sinh… chỉ là các nguồn dữ liệu để xét tuyển.
Theo lịch dự kiến, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn 2023 và kết quả xét tuyển trước 17 giờ ngày 22/8. Bộ lưu ý, các sơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước thời gian trên.