Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở NN&PTNT đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam tháng 3/2014.
Đối với bài báo “Thuốc cực độc nhan nhản ở vùng rau an toàn Hà Nội” ra ngày 5/3/2014, Chi cục BVTV đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất 2 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn xã Vân Tảo (ông Nguyễn Văn Nam và ông Nguyễn Văn Tuấn), huyện Thường Tín. Kết quả không phát hiện thuốc BVTV ngoài danh mục tại của hàng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thùng chứa vỏ bao bì tại xã Thư Phú, huyện Thường Tín phát hiện có 3 vỏ thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam (thuốc Mã Lục có nhãn chữ Trung Quốc).
UBND xã Thư Phú đã mời ông Nguyễn Đình Thành (nhân vật được nêu trong bài báo) để đối chứng. Kết quả ông Thành thừa nhận có sử dụng thuốc Mã Lục mua cách đây vài năm còn sót lại phun cho ruộng rau của gia đình. Đáng lưu ý, ruộng rau của gia đình ông Thành không nằm trong vùng sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT của xã. Tuy nhiên, Chi cục BVTV đã phối hợp với UBND xã niêm phong 2 chai thuốc Mã Lục của ông Thành, đồng thời có văn bản đề nghị UBND xã Thư Phú xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 114 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thông báo công khai trên đài truyền thanh của xã để hạn chế tình trạng tái phạm.
Như vậy, tại xã Thư Phú có hiện tượng sử dụng thuốc ngoài danh mục được cho phép sử dụng tại Việt Nam là có thật nhưng lấy việc một cá nhân vi phạm sử dụng thuốc BVTV mà viết: “Thuốc cực độc nhan nhản ở vùng rau an toàn Hà Nội” là không chính xác, gây tác hại, tạo dư luận xấu và gây bức xúc cho nhân dân trong địa phương.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục BVTV, từ ngữ chuyên môn người viết bài báo cũng sai. Theo quy định thuốc BVTV chia 4 nhóm: Nhóm 1: Rất độc (bao bì có vạch màu đỏ) chứ không có thuốc "Cực độc" như tít báo!
Đối với bài báo “Loạn xị thuốc ngoài danh mục” ra ngày 6/3/2014, theo Chi cục BVTV nội dung bài báo không chính xác. Kết quả kiểm tra thực tế việc sử dụng thuốc BVTV tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho thấy: Trong 20 loại thuốc nông dân sử dụng đều là thuốc trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó 80% là các loại thuốc sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học được đăng ký sử dụng trên rau. Về nội dung bài báo nêu: “…dù đã được cam kết không buôn bán, sử dụng thuốc BVTV hóa học trên địa bàn nhưng thuốc hóa học độc hại, thậm chí thuốc ngoài danh mục vẫn tung hoành” là không chính xác. UBND xã Văn Đức đã yêu cầu các hộ kinh doanh thuốc BVTV ký cam kết: không bán thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng thuốc đăng ký dùng trên lúa, cây màu để phun cho rau. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Minh cung cấp thông tin cho báo chí về các đại lý thuốc BVTV ký cam kết không bán thuốc BVTV nguồn gốc hóa học cho nông dân là nhớ không chính xác nội dung bản cam kết. Việc cửa hàng buôn bán thuốc BVTV hóa học trong danh mục thuốc BTVT được phép sử dụng tại Việt Nam là không sai quy định, vì trong quy định sản xuất RAT không cấm việc sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục BVTV Hà Nội cũng khẳng định, khi hướng dẫn sản xuất RAT, Chi cục BVTV Hà Nội đều khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), như: Khi mật độ sâu bệnh thấp, sử dụng các biện pháp bẫy bả, ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, nguồn gốc sinh học… Qua sự việc trên, Chi cục tiến hành lấy 6 mẫu rau, kiểm tra 30 hoạt chất BVTV (tập trung hoạt chất nêu trong bài báo). Kết quả không phát hiện mẫu có dư lượng thuốc BVTV.
Như vậy nội dung bài báo viết không đúng sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến vùng sản xuất RAT gây thiệt hại cho cho người nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, ông Hồng khẳng định.
Ảnh minh họa
|