Động thái này một lần nữa khẳng định, không nên chần chừ với việc chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty (TCT).
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đến hết năm 2015, hoàn thành việc thoái vốn của EVN tại các ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng… Bên cạnh đó, EVN xây dựng phương án tổ chức lại sản suất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các DN thành viên phù hợp với nội dung đề án này và để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, mục tiêu hoàn thành việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, TCT vào năm 2015 đang được tập trung thực hiện, bỏ qua nhiều đề xuất của các tập đoàn, TCT kêu khó thoái vốn vì thị trường đang khó khăn.
Không chỉ EVN mà các tập đoàn, TCT khác như Dầu khí (PVN), TKV (Tập đoàn Than Khoáng sản), VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam)… đều phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Cuối tháng 11/2012, TKV đã bán toàn bộ 5,94 triệu cổ phiếu, tương đương 19,8% vốn tại Tổng CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC) và không còn là cổ đông của SVIC. Giá chuyển nhượng không được công bố, song theo quy định, việc thoái vốn Nhà nước không được thấp hơn mệnh giá, như vậy cổ phần SVIC được bán không dưới 10.000 đồng/CP.
Tương tự, PVN đang phải xây dựng phương án bán 20% cổ phần tại Oceanbank. Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN: xé nhỏ tỷ lệ sở hữu này để bán cho nhiều đối tác có lẽ không phải giải pháp PVN lựa chọn, nhưng để tìm được nhà đầu tư mua toàn bộ lượng cổ phần trên rất cần thời gian, nhưng việc thoái vốn sẽ hoàn tất muộn nhất vào năm 2015.Trước rất nhiều ý kiến cho rằng, TTCK đang khó khăn, nền kinh tế trong nước, thế giới còn nhiều bất ổn, việc tìm kiếm các nhà đầu tư lớn quan tâm và mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, TCT gần như bất khả thi, ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trong trường hợp quá khó xử lý, có thể gói tất cả các khoản đầu tư này chuyển sang Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước để xử lý thoái vốn dần dần. Việc làm này sẽ nhanh chóng giải thoát cho các tập đoàn, TCT gánh nặng đầu tư ngoài ngành để họ tập trung toàn bộ năng lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Thực tế cho thấy, không thể đạt được cả 2 mục tiêu bảo toàn vốn và hiệu quả hoạt động của DN, bởi vậy rất cần một thái độ dứt khoát về thời gian hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, TCT vào năm 2015 dù chúng ta có phải thiệt hại về kinh tế và bán cổ phần dưới mệnh giá.