Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có TPP, Việt Nam vẫn hội nhập sâu rộng

TS Hoa Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quan điểm mang nặng tính bảo hộ, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donal Trump đã từng tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quốc hội Mỹ cũng do Đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn thường theo tư tưởng bảo thủ, đóng cửa, lợi ích của nước Mỹ là trên hết. Cho nên việc thông qua TPP thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Không tham gia TPP hay có tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế".
TPP không chỉ là kinh tế

TPP là hiệp định thương mại tự do hướng đến những cam kết mới về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, TPP còn đề cập đến các lĩnh vực như đầu tư, mua sắm công, chính sách cạnh tranh, cạnh tranh; hợp tác và xây dựng năng lực; dịch vụ xuyên biên giới; hải quan; thương mại điện tử; môi trường; dịch vụ tài chính…; các khía cạnh có liên quan đến thương mại của chính sách môi trường và chính sách lao động. Nói cách khác, TPP là một hiệp định thương mại tự do toàn diện hơn nhiều so với mô hình thương mại tự do khác.

Được ký kết bởi 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu, TPP được kỳ vọng sẽ đem lại các tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu từ các quốc gia như Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản. Một số chuyên gia cho rằng 11 quốc gia còn lại nên tiếp tục theo đuổi TPP mà không cần đến sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, với nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, thị trường Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn (thị trường này hiện chiếm khoảng 20% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam), thiếu vắng đi các biện pháp khuyến khích của thị trường Mỹ, TPP sẽ mất đi tính hấp dẫn vốn có.
Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hùng Thập
Song, nhìn ở góc độ khác, TPP không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế, nó còn bao gồm cả ý nghĩa an ninh với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì thế việc Washington rút khỏi hiệp định này không có nghĩa là Mỹ rời bỏ châu Á. Nhìn TPP dưới góc độ địa chính trị, bản thân TPP là sợi dây kết nối giữa Mỹ và Việt Nam cũng như các nước khác. Bản thân kết nối ấy cũng quan trọng với Mỹ, nó như một mạng lưới giăng ra cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó dẫn đến nhận định, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ - ông Trump, sẽ vẫn duy trì chính sách xoay trục của Obama. Làm sao Mỹ có thể không quan tâm đến châu Á, khu vực này quá quan trọng, hãy nhìn vào hợp tác kinh tế, vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở đây. Washington sẽ không rời khỏi châu Á.

TPP không phải là tất cả
Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên cho TPP và chuẩn bị nhiều mặt cho việc thực thi hiệp định này. Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Nhật Bản. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn. Các DN Nhà nước sẽ không còn được hưởng các ưu đãi hay đặc quyền về điều kiện tiếp cận vốn và quyền được bảo hộ. Thỏa thuận TPP cũng sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các mặt hàng may mặc Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan… Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là những thách thức đến từ việc nhiều ngành hàng của Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt khi mà cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất… Khi đó, phần thua thiệt lại là DN Việt. Điều này cũng đã từng xảy ra với Hiệp định thương mại Việt Nam ASEAN - Trung Quốc. Dù có hiệu lực từ năm 2004 nhưng chúng ta không có sự chuẩn bị gì nhiều, nên càng hội nhập sâu thì mức độ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc càng lớn. Việc Việt Nam tham gia vào WTO cuối năm 2006 cũng vậy. Sau 10 năm, có thể khẳng định chúng ta đã không tận dụng được cơ hội từ làn sóng hội nhập này, trái lại nhiều cơ hội đã biến thành thách thức. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại nếu như vào TPP mà sự chuẩn bị lại không được kỹ càng.

Chính vì thế, để hội nhập, nếu không có TPP vẫn đòi hỏi nền kinh tế trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, vệ sinh ATTP, giá cả hợp lý… Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện cho TPP. Chính phủ rà soát các quy định pháp luật cho phù hợp với hiệp định thế hệ mới này. Bản thân nhiều DN cũng đã đầu tư để đón đầu cơ hội từ TPP, như dệt may đầu tư vào chuỗi bông, sợi, nhuộm, vải... Những sự chuẩn bị ấy là hết sức tích cực và không hề vô nghĩa, cho dù có TPP hay không. Ngay cả khi TPP nếu không thành công thì những sự đầu tư đó cũng là tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Đó là điểm mấu chốt.

Tham gia hàng loạt hiệp định hợp tác song phương, đa phương

Thực tế thời gian qua, với việc hội nhập ngày một sâu, rộng hơn, Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định hợp tác song phương (FTA) với nhiều nền kinh tế như FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á – Âu, FTA với Liên minh châu Âu, tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN… Và tới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác.

Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, RCEP là một hiệp định chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Đánh giá tác động của RCEP tới nền kinh tế Việt Nam được thể hiện ở 2 kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, RCEP sẽ hình thành theo hướng làm sâu rộng thêm cấu trúc trung tâm và các nhánh với trung tâm là ASEAN FTA+1. Theo kịch bản này,Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ tăng thương mại hai chiều, tuy nhiên lợi ích thu được phụ thuộc vào số dòng thuế cam kết cắt giảm giữa các quốc gia. Với kịch bản thứ hai, các thành viên RCEP ngoài ASEAN cũng tự do hóa thương mại với nhau. Khi đó, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc trong xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và gạo vào thị trường Nhật Bản, cũng như cạnh tranh với Trung Quốc trong việc xuất khẩu thực phẩm và may mặc vào Hàn Quốc.

Tham gia RCEP, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp… Tuy nhiên, với việc chủ yếu là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao sẽ là một bất lợi bởi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số đối tác lớn tham gia RCEP. Việc xuất khẩu sang các nước đối tác cũng ngày một khó khăn hơn, khi các nước này đặt những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và đàm phán các FTA vẫn đang diễn ra, bao gồm cả RCEP, Việt Nam vẫn cần tận dụng những cơ hội và khắc phục thách thức nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư, tập trung vào nhập khẩu công nghệ tiên tiến để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để dần trở thành một nền kinh tế tri thức và thân thiện môi trường.

"Dù TPP có đổ vỡ, các DN Việt Nam không nên quá bị động, mà phải tích cực tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia. Không có TPP, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cải cách. Công cuộc phát triển, hội nhập không thể dừng lại." - Ông Phạm Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam