Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản số 165/KH-UBND về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT6-TTg ngày 19/4 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.

Thay đổi tư duy, có cách làm mới

Kế hoạch nhằm mục tiêu đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Công tác bảo đảm TTATGT phải quán triệt quan điểm đối mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.

Đồng thời, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về TTATGT của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về TTATGT; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiêu tai nạn giao thông (TNGT), trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

 UBND TP Hà Nội vừa có văn bản  về việc xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.
 UBND TP Hà Nội vừa có văn bản  về việc xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là một “tuyên truyền viên" 

Kế hoạch này được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả với các kế hoạch thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố trong công tác bảo đảm TTATGT. Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo đảm TTATGT trên toàn địa bàn Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách.

Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và các đơn vị có liên quan, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

Phấn đẩu mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là một “tuyên truyền viên" trong công tác tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiến phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị mình vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV để đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm TTATGT theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước và của Thành phố.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên UBND TP Hà Nội yêu cầu các các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT.  Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý gây mất TTATGT.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm

Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật về TTATGT, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về TTATGT phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

UBND TP Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ lọt, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức…