Không còn chuyện "hạ cánh an toàn" và tư duy nhiệm kỳ

Trần Hà (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/11, trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội về việc Ban Bí thư có kết luận về việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, một số ĐB Quốc hội cho rằng, đây là một việc mang ý nghĩa cảnh báo rất lớn, không còn chuyện "hạ cánh an toàn" và tư duy nhiệm kỳ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng cho rằng, có ý kiến cho rằng, việccách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương của ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011 - 2016 chỉ mang ý nghĩa về mặt danh dự là không đúng. "Ở đây, anh không thể trốn tránh trách nhiệm, vi phạm của mình trong lúc đang giữ chức vụ và việc này phải bị xử lý. Việc cách chức như vậy thì sau này người ta sẽ không nói ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương ở giai đoạn đó nữa. Và nếu như có chế độ kèm theo chức vụ đó thì sẽ không được hưởng nữa" - ông Vượng giải thích. Đồng thời cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Ban Bí thư có quyết định xử lý kỷ luật như trường hợp của ông Hoàng, mà trước đây cũng vẫn làm như vậy.
Trước câu hỏi là cần có cơ chế như thế nào để giám sát những người ở chức vụ cao như ông Hoàng để có thể phát hiện các sai phạm sớm hơn, không để nghỉ hưu rồi mới phát hiện ra, ông Vượng nói: "Tất cả các cơ chế giám sát của chúng ta đều có thể làm được việc đó nếu như chúng ta đồng lòng, hiệp lực. Còn dĩ nhiên, bây giờ, phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế đó".
Trả lời về việc có hay không lỗ hổng trong việc giám sát nên mới để xảy ra những sự việc vi phạm như của ông Hoàng?, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng: "Có thể trong quá trình giám sát không thực hiện đầy đủ còn về cơ chế giám sát lúc nào cũng có và chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện tiếp để đi cùng quá trình phát triển". Đồng thời khẳng định, tinh thần của Đảng là sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm minh, thích đáng với những trường hợp vi phạm. Xử lý không có vùng cấm, bất cứ ai vi phạm cũng phải xử lý, đúng theo tinh thần của Đảng, Nhà nước.
Cũng trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng: Sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công Thương là những sai phạm nghiêm trọng và rõ ràng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với cơ quan công quyền. Cử tri muốn vụ việc này phải được xử lý thật nghiêm minh để răn đe, để cảnh báo công tác quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta.
Đánh giá việc Ban Bí thư quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng chính là thể hiện thông điệp của Đảng kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, ông Phạm Tất Thắng nhận định: Dù ở cương vị nào, người gây ra sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi rất ủng hộ cách xử lý của Ban Bí thư. Dù ông Vũ Huy Hoàng dù đã về hưu, không còn là ủy viên T.Ư Đảng, không còn là Bộ trưởng Công thương nhưng vẫn là cán bộ cấp cao. Việc Ban Bí thư họp thống nhất với đề xuất của UB Kiểm tra T.Ư đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng trong việc xử lý những sai phạm trong công tác quản lý của Bộ Công Thương. "Sai phạm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu đã được kết luận thì cần được xử lý nghiêm minh" - ông Thắng kiến nghị.