Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không còn mờ ảo khói, bập bùng lửa…

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không còn “mờ ảo khói, bập bùng lửa” hóa vàng như mấy năm trước, song cái Tết “ông Công, ông Táo” hôm qua cũng để lại trong lòng người Hà Nội những dư âm vừa thú vị, vừa e ngại…

Không khí nằm ở… sạp bán vàng mã
Khác hẳn không khí chộn rộn, tất tả những năm trước khi ngày ông Táo về chầu Trời cận kề, năm nay, chừng một tuần trước 23 tháng Chạp âm lịch, mới thấy lác đác trong dòng xe cộ đông nghịt trên phố những phụ nữ chở theo đồ vàng mã cúng Tết ông Công ông Táo. Có lẽ đó cũng là một thói quen đã hình thành trong cuộc sống công nghiệp hôm nay – nhà nhà không còn lo sắm Tết dần, mà tất cả chỉ gói gọn trong một buổi ra chợ hay vào siêu thị. Lễ tiễn ông Táo về chầu Trời cũng vậy, phần lớn đều chờ đến sát ngày mới tất tả sắm mua, chuẩn bị vì “mọi thứ đều sẵn ở chợ” – chị Hiền, nhà ở khu Cầu Giấy nói.

Người dân thả cá dịp Tết “ông Công, ông Táo” sáng ngày 20/1.  Ảnh: Phạm Hùng

Chỉ có các cửa hàng bán đồ cho lễ này là hồ hởi, nhộn nhịp. Trên các dãy phố, khu chợ “mọc” thêm khá nhiều cửa hàng bày bán đồ mã cúng ông Công ông Táo, thậm chí có những cửa hàng ngày thường chuyên bán bánh chưng, xôi chè… giờ cũng bày bán thêm bộ đồ ông Táo. Người ta treo đồ mã la liệt trước cửa hàng, rôm rả lời mời rao bán: “Lúc nào làm lễ thì ra đây mua cho em đắt hàng chị nhé!”. Những cửa hàng chuyên đồ vàng mã thì khỏi phải nói, hàng chất ngất bày kín gian hàng chờ khách mua, không thiếu thứ gì vì “trần sao âm vậy”.
Các cửa hàng bán cá chép cảnh – “phương tiện” để ông Táo lên chầu Trời, cũng không kém phần rôm rả. Không chỉ các nhà chuyên mặt hàng này “vào vụ”, mà cả những “người không chuyên” cũng sắm thêm xô chậu, buôn thêm cá chép vàng để bán cùng đồ lễ. Vẫn đủ loại: chép Nhật vàng, chép ngọc trai, chép kỳ lân, chép trắng, chép đỏ…, nhưng xem ra cá chép vàng vẫn được nhiều người chọn vì màu sắc khá đẹp mắt, giá cả lại phải chăng. Bởi như một chị bán cá ở chợ Phùng Khoang chia sẻ: “Vì cá làm lễ, thắp hương xong là mọi người thả ra ao, hồ nên nhiều người không cầu kỳ chọn mua những loại cá đắt tiền”.
Càng gần ngày 23 tháng Chạp, các cửa hàng đồ mã, cá chép càng rôm rả hơn. Song điều dễ nhận ra là ngoài số ít những gia chủ cầu kỳ về đồ sắm lễ, đại đa số mọi người chọn đồ tiễn ông Công ông Táo ở “hạng bình dân”, đủ để đẹp mà không quá đắt đỏ. 
Trở về với… cá giấy
Rất nhiều người bán cá chép phục vụ lễ 23 tháng Chạp ở các khu chợ dân sinh thừa nhận: “Năm nay ế hơn các năm trước”. Cũng khá nhiều bà nội trợ cho hay, năm nay gia đình không cúng cá chép sống nữa mà chuyển sang cá giấy, cúng xong hóa mã tiễn ông Công, ông Táo về Trời. Sự thay đổi này bắt nguồn từ lý do rất thực tế, ấy là không có chỗ để thả phóng sinh cá chép. Vì sông hồ ô nhiễm, cá chép thả xuống không sống được, như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của việc phóng sinh. Lại còn cả chuyện cá vừa thả xuống hồ đã bị người khác vợt lên, quay vòng ra chợ… Thực tế này đã “tai nghe mắt thấy” ở nhiều năm trước, khi sau đêm 23 tháng Chạp, đã có nơi xác cá chép nổi đầy mặt hồ, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Thế nên, năm nay nhiều gia đình đã dùng cá giấy thay cho việc thả cá chép phóng sinh với tâm niệm: Lòng thành cốt ở tâm mình. Và bộ mã mũ – áo - hia ông Công ông Táo có bộ 3 cá chép đi kèm đã nằm trong lựa chọn của nhiều gia đình. Điều này vừa tiện lợi vì chỉ cần mua một món là đủ cả đồ cúng lễ, lại vẫn giữ được nét truyền thống xưa. Mà như lý giải của GS sử học Lê Văn Lan, cúng cá chép giấy để Táo quân làm phương tiện lên chầu Trời mới đúng là phong tục truyền thống, còn việc cúng cá sống là một cách hiểu sai, một sự “biến tướng” về tư duy văn hóa. Nghĩa là sự “trở về” với cá giấy của nhiều người dân năm nay là điều rất đáng ghi nhận.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Dù nhu cầu đốt vàng mã, thả cá chép của người dân đã đơn giản đi nhiều so với những năm trước, song chưa hẳn đã hết những mâm mã thời hiện đại đủ cả nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động… Bởi hỏi thăm các bà chủ cửa hàng bán vàng mã lớn ở chợ Hà Đông, Hàng Mã, chợ Phùng Khoang…, được biết vẫn có một số người sắm lễ 23 tháng Chạp rất cầu kỳ, người trần có gì người ta đều mua biếu ông Công ông Táo thứ đó. Thậm chí có người còn nhân dịp này, mua quà biếu tặng những người đã khuất núi trong gia đình. Mà những thứ biếu tặng ấy phải là “đồ thửa” đặt làm riêng ở các nhà chuyên làm vàng mã, chứ không chọn mua những thứ có sẵn đang bày bán ở cửa hàng. Như chị Ngọc, nhà ở khu Đại Mỗ (Từ Liêm) khoe: “Chiếc áo bông trần này là em đặt riêng của người quen làm để biếu bà ngoại. Bên trong lớp giấy này nhồi bông hẳn hoi đấy chị ạ!”… Đây là một sự cầu kỳ mà không ít người đặt dấu hỏi: Có nhất thiết phải như vậy hay không?
Rồi cũng phải nói, dù không còn mờ ảo khói, bập bùng lửa hóa mã, song câu chuyện dài kỳ về chuyện thả cá, thả tro ra sông, hồ kèm theo cả ni-lon vẫn chưa có hồi kết. Dạo qua các sông hồ ở khu vực nội thành vẫn thấy nhan nhản túi ni-lon bay bên bờ kè hồ, bay cả lên con đường chạy qua hai bên hồ. Lại có cả những gia chủ mang thả cả bát hương, chân hương, khiến mặt nước nơi đó đen lại, chân hương nổi lềnh phềnh… Ngày 19 và 20/1 (tức 22 và 23 tháng Chạp) có thể gọi là “trọng điểm” của hiện tượng này, dù lời kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường chung đã gióng giả từ nhiều năm. Năm nay, bức tranh nilon và tàn tro này có phần tươi màu hơn vì có những đội tình nguyện viên đội gió rét ra bờ sông Hồng, cầu Long Biên từ sáng sớm để nhắc nhở mọi người “Thả cá, đừng thả túi ni-lon”, đồng thời giúp người dân thu gom ni-lon làm sạch bờ sông. Nhìn nhóm tình nguyện viên Cá chép đứng trong gió rét buổi sáng, mà dấu hỏi về ý thức giữ gìn môi trường chung của người dân cứ hiển hiện…
Cư dân Hà Nội ngày một đông với những chung cư cao tầng mọc lên không ngừng, nếu cứ quẩn quanh mãi với những dấu hỏi còn bỏ ngỏ này thì người đô thị sẽ còn tốn nhiều công sức trong công cuộc xây dựng TP xanh – sạch – đẹp. Điều quan trọng nhất của những dấu hỏi này không gì khác là ý thức người dân. Đúng như GS Lê Văn Lan chia sẻ: “Gìn giữ bản sắc văn hoá là việc làm đẹp, nhưng vì nó mà tốn kém lãng phí và đặc biệt việc vứt rác thải làm mất vệ sinh môi trường thì khó chấp nhận. Bên cạnh đạo lý của dân tộc là sự giản dị, tinh khiết, đừng xa xỉ, đừng bắt chước nhau trên vô thức. Hãy sống vui, sống thiện, chăm chỉ làm ăn, để cuối năm thanh thản, ăn Tết an vui và đón năm mới nhiều hy vọng”.