Hai luồng dư luận ủng hộ và phản đối đang diễn ra, nhưng đa số đề nghị Bộ công khai để đảm bảo tính minh bạch.
Bí mật câu hỏi để sử dụng nhiều lần
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để làm ngân hàng câu hỏi đề thi THPT quốc gia, Bộ đã huy động rất nhiều đội ngũ giáo viên để thực hiện, thay vì làm một đợt kéo dài khoảng 3 tuần như những năm trước. Các câu hỏi thô được đưa vào ngân hàng đề đều trải qua khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm. Vì thế, Bộ GD&ĐT không công bố đề thi là để giữ bí mật các câu hỏi có thể sử dụng cho các kỳ thi THPT quốc gia những năm sau.
Thí sinh trao đổi về đề sau khi kết thúc bài thi môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Phạm Hùng |
Ủng hộ việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi THPT quốc gia và đáp án, TS Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (ĐH) và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam lý giải: Việc thiết kế hệ thống hàng vạn câu hỏi thi trắc nghiệm và trả lời, phân loại nội dung về độ khó, dễ không đơn giản. Mỗi câu hỏi phải được đặt trong vị trí khối kiến thức nào, tầm khó đến đâu. Nếu Bộ công bố câu hỏi, chẳng khác nào ngôi nhà vừa xây xong bị rút một viên gạch ở chân tường, rồi mai lại nhét vào. Hơn nữa, hệ thống những câu hỏi này còn được sử dụng lại trong những năm sau, nên không thể công khai. Ở Mỹ, Đức, Australia tổ chức thi trắc nghiệm cũng không công bố đáp án, nếu yêu cầu phúc tra, họ sẽ chấm lại bài thi.
Trước lo lắng của dư luận về việc không giám sát được Bộ GD&ĐT ra đề thi, TS Lê Phương Đông cho rằng, không kỳ thi nào, đề thi nào chính xác tuyệt đối. Các nước châu Âu tổ chức thi trắc nghiệm khách quan luôn có một câu nhắc nhở thí sinh: Anh/chị có thể thi lại kỳ thi này nhưng kết quả sẽ không giống nhau vì có sự khác biệt trong từng câu hỏi và khả năng làm bài. “Mọi người không nên đặt nặng vấn đề phải biết đề thi và đáp án. Vì chẳng hạn với 50 đề thi khác nhau có thể lên tới hàng ngàn câu hỏi, nếu Bộ công bố đồng nghĩa với số đề thi ấy bị loại ra khỏi ngân hàng đề thi, sang năm lại ngồi làm lại? Liệu có tìm được câu hỏi thay thế cho kiến thức đại diện ấy không?” – TS Lê Đông Phương đặt câu hỏi.
Không cần thiết phải bí mật
Năm 2015 và 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào ĐH, ra đề trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh một đề riêng nhưng không công bố câu hỏi và đáp án vẫn được chấp nhận. Vì thế nếu Bộ GD&ĐT không công khai đề thi và đáp án cũng tương tự, song nhiều chuyên gia giáo dục cũng như Hiệu trưởng các trường THPT không đồng tình. Là bởi, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi trong nhiều thời điểm khác nhau và làm trên máy tính; còn kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra ở nhiều nơi, cùng một thời gian, rất cần công khai đề và đáp án cho thí sinh và xã hội biết. Đây cũng là một kênh để mọi người giám sát cách làm của Bộ GD&ĐT. TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT có quan điểm: “Có thể những năm sau, Bộ không công bố đề thi và đáp án cũng được, nhưng năm nay, Bộ cần phải làm để xã hội biết được tính ưu việt của hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo bài, nhất là khi nhiều người còn nửa tin nửa ngờ”. Theo ông Khuyến, việc tổ chức thi THPT quốc gia trên toàn quốc, với mỗi môn thi, Bộ hoàn toàn có thể làm một bộ đề lấy từ ngân hàng đề sau đó tráo các câu hỏi và đáp án thành vô số. Với cách làm này, khi công bố đề và đáp án, chỉ bị lộ trong phạm vi số câu hỏi đã thi thì sang năm không dùng lại nữa. Những năm trước, đề thi THPT quốc gia môn Lý, Hóa, Sinh đã thực hiện, tại sao Bộ không làm theo hướng đó?
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH có nhiều năm làm công tác tuyển sinh cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT không cần thiết phải bí mật đề thi và đáp án. Bộ cần thiết phải công khai để thể hiện sự minh bạch và là cơ sở để thí sinh đánh giá kết quả bài làm của họ. Hơn nữa, khi bài thi tích hợp nhiều nội dung khác nhau, mỗi thí sinh một mã đề riêng, được lấy từ hệ thống ngân hàng câu hỏi, việc lặp lại chỉ trong một nội dung nhất định. Thi trắc nghiệm, yêu cầu thí sinh nắm bắt được các kiến thức của chương trình THPT đã là thành công. Theo ông Đào Tuấn Đạt – Quản lý Trường THPT Anhxtanh, Bộ nên làm như trước, từ một bộ đề thi trắc nghiệm gốc trộn thành nhiều mã đề khác nhau. Việc Bộ cho biết không công bố câu hỏi và đáp án, chưa chắc đã bảo mật được đề thi, bởi sẽ có tình trạng thí sinh tự do, đăng ký thi nhưng chỉ vào phòng để chép đề mang ra ngoài, thành ra bị lộ. Hơn nữa, thí sinh luôn cho rằng mình làm đúng sao lại được ngần ấy điểm, sẽ dẫn đến nghi ngờ và số người phúc khảo bài thi sẽ gia tăng.
Vì thế, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định có hay không công bố đề thi và đáp án kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Bà Nguyễn Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan: Thầy, trò “mò kim đáy bể” Việc không công bố đề, đáp án thi, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT là nhằm giữ bí mật các câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo. Tuy nhiên, việc này sẽ gây bất lợi cho thầy, trò trong việc ôn tập, định hướng thi. Bởi thế, công bố đề, đáp án là việc làm rất cần thiết, đây cũng là quan điểm chung của các giáo viên cũng như cán bộ quản lý các trường phổ thông. Việc thay đổi phải có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên. Trước đây, khi đi tập huấn mới cho giáo viên biết ma trận đề, còn đề thế nào, đáp án ra sao chưa rõ. Ở Hà Nội, Sở GD&ĐT dựa vào đề minh họa, tạo ngân hàng đề phục vụ cho các bài kiểm tra. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, đề, đáp án minh họa là cần để giáo viên, HS bám theo, giúp giáo viên, HS thuận lợi hơn trong việc dạy – học. Không có đáp án mẫu, chẳng khác nào đẩy thầy trò theo kiểu “mò kim đáy bể”. Theo tôi, việc thay đổi thi như năm 2016 là tạm ổn. Năm nay, Bộ GD&ĐT lại có thay đổi, có nhiều điểm mới. Thay đổi đột ngột như vậy liệu HS có đáp ứng được không? Đề thi các năm trước thường là nguồn tài liệu để giúp HS tham khảo, cọ sát với việc thi cử. Bộ GD&ĐT có công bố đề thi mẫu, đáp án mẫu, tuy vậy sự phân bổ kiến thức, độ khó như thế nào vẫn cần được kiểm chứng qua thực tế làm bài. Hơn nữa, HS sau khi thi về thường so sánh đáp án xem mình đúng, sai thế nào, liệu được bao nhiêu điểm... Nếu điều đó cũng không thực hiện được chắc chắn sẽ gây tâm lý lo lắng, hoang mang không cần thiết cho các em. Hơn nữa, không có đề, đáp án minh họa, các em sẽ lấy gì làm căn cứ để phúc khảo nếu hoài nghi về điểm thi? Bà Trần Thị Hòa - phụ huynh trường THPT Lê Quý Đôn: Thay đổi phải có lộ trình Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới khiến phụ huynh như ngồi trên đống lửa. Tôi rất lo với những thay đổi của kỳ thi này, nhất là tất cả môn thi sẽ chuyển sang hình thức trắc nghiệm và mỗi HS một mã đề khác nhau. Không hiểu các con sẽ học ra sao, ôn thế nào để đạt theo yêu cầu mới của giáo dục. Việc không công bố đề, đáp án minh họa là để giữ bí mật đề thi, nhưng với nhiều điểm mới của kỳ thi năm nay sẽ khiến HS lo lắng, nhất là thời điểm công bố quá gần với kỳ thi, sẽ gây bất lợi cho thầy, trò trong việc ôn tập, định hướng thi. Như tôi biết, đề thi của các năm trước thường giúp HS các khóa sau trong việc tham khảo, định hướng để ôn tập. Nếu đề và đáp án không được công khai thì chẳng khác nào để giáo viên, HS dạy, học mò, nhất là những năm đầu thực hiện đổi mới. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nếu thay đổi phải dần dần từng bước, có định hướng rõ ràng để nhà trường, giáo viên, HS tiếp cận, sau đó mới thực hiện, chứ không thể ngoắt cái lại thay đổi, nhất lại là thời điểm thay đổi, công bố quá gần với kỳ thi. Trung Anh ghi |