Gần 40 năm sau sự kiện ấy, ông Nguyễn Hữu Thái (ảnh bên), người có mặt tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 đã trăn trở và quyết định hoàn thành cuốn sách "Chuyện ít biết về ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975".
Tránh đổ nát và đổ máu vô ích
Trong cuốn “Lịch sử Công an nhân dân TP Hồ Chí Minh" (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997) ghi: "Anh Nguyễn Hữu Thái đã tiếp cận Dương Văn Minh trước khi Minh làm Tổng thống. Anh đã có mặt tại Dinh Độc Lập từ sáng 30/4, góp phần tác động Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn chờ "bàn giao trong vòng trật tự", tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn". Xin ông cho biết, ở thời điểm đó, vừa mới ra tù vì chống chế độ ngụy quyền Sài Gòn, điều gì thôi thúc ông hành động như vậy?
- Lúc đó, tôi chỉ thực hiện công tác được giao cho một cơ sở nội thành hoạt động công khai ở Sài Gòn. Dĩ nhiên cũng cần sáng tạo, linh hoạt và phải can đảm để tránh đổ nát và đổ máu vô ích. Bản thân tôi là một thanh niên từng đảm nhiệm các chức vụ đại diện tập thể sinh viên Sài Gòn qua các giai đoạn từ 1963 đến 1975, cho nên tôi đã tạo được các mối quan hệ cần thiết với các nhân vật lãnh đạo tôn giáo lẫn chính trị Sài Gòn, như tướng Dương Văn Minh, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, thượng tọa Thích Trí Quang… Tôi đã góp phần tác động thêm vào nỗ lực chung nhằm vận động họ hành động thích hợp cho việc chấm dứt chiến tranh trong êm đẹp.
Hơn 30 năm đã trôi qua, niềm hân hoan của chiến thắng hay mặc cảm thất bại đã lắng xuống, nhường chỗ cho những cái nhìn tỉnh táo và khách quan. Phải chăng, nay ông đã có được độ lùi cần thiết để nhìn lại sự kiện này trong chính thời điểm và bối cảnh của nó?
- Lâu nay nhận thấy có nhiều người viết về ngày 30/4/1975 mà thường chỉ trình bày được một vài khía cạnh nhỏ của sự kiện, trong số đó gồm cả bản thân tôi mấy năm về trước, cho nên tôi quyết tâm đào sâu vấn đề nhằm trình bày sự kiện này một cách toàn cục hơn. Mặt khác, khi ra nước ngoài tôi cũng thấy không ít nhà báo nước ngoài, một số người Việt chống Cộng trình bày sự kiện với ý đồ rõ ràng là cố tình xuyên tạc sự thật. Nên với vai trò một nhân chứng và một nhà nghiên cứu, tôi muốn trình bày lại sự kiện 30/4/1975. Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, khi còn làm nghiên cứu ở Mỹ, một nhà xuất bản lớn trong nước đã đề nghị tôi viết ngay sự kiện này, mong được khách quan và nhìn được từ nhiều phía. Khi đó, tôi đã rất lúng túng, cho nên cái tên đầu tiên đặt cho sách vào năm 2005 khá dài: "Những điều còn chưa nói hết về ngày sụp đổ và Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 - 30 năm sau nhìn từ nhiều phía". Nhưng sách không phát hành được vì những lý do khách quan. 8 năm qua, tôi đã có thời gian đào sâu vấn đề hơn.
Bìa cuốn sách "Chuyện ít biết về ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975”.
Không chỉ kể lại diễn tiến các sự kiện bản thân mình đã tham gia và chứng kiến mà ông còn ghi lại lời kể của những nhân chứng khác từ phía bên kia với nhiều góc độ. Được biết, những câu chuyện ít người biết này còn được bổ sung và kiểm chứng qua một nguồn tư liệu rất đặc biệt và khá phong phú từ phía Mỹ?
- Vào những năm ngay sau giải phóng, thú thật tôi cũng nhìn được các sự kiện và lý giải chúng chủ yếu qua cái nhìn từ một phía, từ trong nước, một phần do chủ quan, phần khác do thiếu thông tin. Năm 2004, một cơ duyên đặc biệt đến với tôi khi nhận được học bổng nghiên cứu Rockefeller 2004 - 2005 của Trung tâm William Joiner (chuyên đề "Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả chiến tranh" của cựu binh Mỹ tại Đại học Massachusetts - Boston). Suất học bổng đã giúp tôi có cơ hội tiếp cận và kiểm tra nguồn tư liệu khổng lồ về chiến tranh Việt Nam tại các thư viện hàng đầu của Mỹ với hơn 50.000 đầu sách và hàng vạn chuyên luận. Riêng về đề tài "Sài Gòn sụp đổ" cũng có khoảng trăm cuốn sách dày, hàng vạn bài báo… Bởi thế, tôi đã nghiên cứu được nhiều tư liệu phong phú để bổ sung và thẩm định lại những điều mà bản thân tôi còn chưa lý giải được trong quá khứ.
Thiếu tá James Kean đã khóc
Là người trong cuộc, hẳn ông có cái nhìn riêng về ngày Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước?
- Dẫu ở phía nào và chính kiến có khác nhau thì cũng phải nhìn nhận rằng, 30/4/1975 là một trong những sự kiện trọng đại bậc nhất trong lịch sử Việt Nam đương đại. Biến cố này đánh dấu sự cáo chung 117 năm thực dân đế quốc can thiệp vào Việt Nam. Sự kiện này cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng những đã làm thay đổi vận mệnh đất nước Việt Nam mà cả cục diện cách mạng thế giới vào nửa sau của thế kỷ XX. Đó cũng là ngày chấm dứt một cuộc đụng độ nóng nhất thời Chiến tranh lạnh và xác định sự thất bại của "một cuộc chiến tranh sai lầm và nhục nhã" (theo như nhìn nhận của hầu hết sử gia thế giới) trong lịch sử chưa bao giờ chiến bại của Mỹ.
Chiến tranh và hận thù rồi cũng lùi vào dĩ vãng. Vì sau đó là hòa bình và cả cuộc sống mới đang vươn lên. Việt Nam và Mỹ ngày nay đã bình thường hóa quan hệ. Mong rằng, câu chuyện tôi kể góp phần nói lên sự thật diễn biến sự kiện 30/4/1975 xảy ra hơn 30 năm về trước, không quá cường điệu, không mang đầy mặc cảm và hận thù.
Vậy những hình ảnh, ký ức nào trong ngày 30/4/1975 khiến ông nhớ nhất?
- Người dân Sài Gòn ngỡ ngàng nhìn thấy nhiều chiếc xe chở bộ đội, phần lớn gốc miền Bắc đậu khắp nơi trên đường phố. Trên xe, những người bộ đội đổ xuống và mọi người xúm lại, chỉ trỏ. Nhiều tiếng thì thào cất lên: Trẻ quá, trẻ quá! Vâng, trẻ một cách không ngờ, chỉ chừng 17, 18, vẻ mặt ngơ ngác, họ nhìn đám đông chung quanh với một vẻ bỡ ngỡ, tò mò. Hiển nhiên, người dân Sài Gòn không tìm thấy ở họ mảy may ánh mắt hận thù, trái với lời đồn đại kinh hoàng mà dân thành phố được nghe trong những tuần lễ trước đó. Câu nói: "Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng, ai là kẻ bại…
Để có hòa bình, dân tộc ta đã mất đi những cán bộ giỏi giang nhất, những lớp thanh niên ưu tú nhất" của Tướng Trần Văn Trà đã khiến nhiều người xúc động. Và tôi còn nhớ mãi hình ảnh sáng sớm 30/4, viên chỉ huy đội thủy quân lục chiến bảo vệ sứ quán Mỹ là Thiếu tá James Kean ra đi trên một trong những chiếc trực thăng cuối cùng rời sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Ông ta đã khóc. Sau này, ông ta kể lại: "Tôi đã bật khóc, rõ ràng là do quá hổ thẹn! Làm sao mà Mỹ lại để cho mình rơi vào tình trạng tồi tệ khiến phải cụp đuôi bỏ chạy nhục nhã như thế này".
Ông có dự định viết tiếp những câu chuyện về ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975?
- Ngay trong lời tựa cuốn sách này tôi đã xác định rằng đây mới chỉ là những ghi chép và trình bày của một người chứng kiến, bổ sung bằng các câu chuyện của các nhân chứng mới, nguồn tư liệu khác hơn những cái ta đã có lâu nay. Nhưng, phải nói kết quả cũng còn khiêm tốn, chỉ phản ánh được một khía cạnh nhỏ, còn nhiều mặt hạn chế đối với sự kiện quá lớn lao và trọng đại như ngày 30/4/1975. Chắc chắn trong tương lai tôi sẽ còn đào sâu hơn nữa để có được một công trình không còn là một câu chuyện kể mà là một trình bày có bề sâu, mô tả được nhiều nhân vật, nhiều sự kiện đến nay còn chưa lý giải hết. Ước muốn là như thế nhưng có thực hiện được hay không vẫn là điều còn ở phía trước…
Dự kiến, trong tháng 5, cuốn hồi ký dày 450 trang mang tên "Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình" sẽ được ấn hành. Cuốn sách có cả bản tiếng Anh, sẽ xuất bản cả ở Mỹ, trong đó tôi cũng kể về ngày Giải phóng Sài Gòn.
Xin cảm ơn ông!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thái là tác giả của nhiều cuốn sách về thanh niên và kiến trúc như: "Nhà ở nông thôn Nam Bộ" (1984), "Hành trang bước vào thiên niên kỷ" (2001), "Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam" (2002), "Xu hướng mới kiến trúc - đô thị thế giới và Việt Nam thời hội nhập" (2003), "Thư gửi bạn trẻ - khơi dậy nguồn lực để vươn lên" (2007); đồng tác giả: "Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên" (2008), "Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam" (2010). |