Không để bệnh nhân, nhân viên y tế sốc nắng, kiệt sức

Nhật Nguyên - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày nắng nóng cực điểm, bên cạnh sự quyết liệt chống dịch Covid-19, việc chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân cùng nhân viên y tế, đặc biệt tại các điểm nóng về dịch là vô cùng quan trọng.

Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Mai Thanh
Nhiều giải pháp chống nóng cho người bệnh
Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với thời tiết nắng nóng nên lượng bệnh nhân đến khám chỉ bằng 1/4 so với trước đây, mỗi ngày BV đón tiếp 1.000 – 1.200 lượt bệnh nhân, chủ yếu mắc bệnh nặng, mãn tính. Dù không đông bệnh nhân nhưng hàng ngày, BV vẫn triển khai đón tiếp người bệnh từ 6 giờ sáng và bắt đầu khám từ 7 giờ để tránh nắng nóng. “Bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19, BV đã triển khai nhiều biện pháp giảm nhiệt trong ngày nắng nóng như lắp đặt thêm điều hòa, quạt, đặt thêm các bình nước uống phục vụ người bệnh” - PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết.

Tại BV Đa khoa Đống Đa cũng luôn đảm bảo các khu vực có mái che, cửa chắn, chống nắng, nóng, bổ sung quạt, điều hòa, nước uống phục vụ bệnh nhân. BV bố trí, sắp xếp lịch khám của bệnh nhân, tránh tập trung đông người trong thời điểm dịch Covid-19. TS Phạm Bá Hiền - Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa cho biết, hiện nay lượng bệnh nhân đến khám giảm 2/3 so với bình thường. Trung bình, BV đón khoảng 300 bệnh nhân/ngày, hầu hết đều là bệnh nhân nặng, người cao tuổi có các bệnh lý tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, viêm phổi…

Tương tự, BV đa khoa Đức Giang, BV Bạch Mai, Phổi T.Ư, Ung bướu Hà Nội… cũng đã tăng cường nhiều biện pháp chống nóng tại điểm đón tiếp, phòng khám và đảm bảo đầy đủ nước uống cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Bảo đảm sức khỏe cho nhân viên y tế chống dịch

Những ngày qua, thời tiết ở miền Bắc và các điểm nóng về dịch Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh liên tục nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời trên 38 - 40oC. Trong khi đó, lực lượng y tế thực phải mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy định đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả khi đi làm nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều nhân viên y tế, sinh viên trường y đi lấy mẫu bệnh phẩm đã bị ngất xỉu.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ phận thường trực của Bộ tại Bắc Giang rất quan ngại và đã yêu cầu tất cả đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe cho thầy thuốc, y bác sĩ. Những chiến sĩ ở tuyến đầu phải được bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, đủ nước uống, nâng cao sức khỏe khi chống dịch.

Vừa qua, một số ý kiến, trong đó có các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nhân viên y tế, đặc biệt đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng làm việc tại cộng đồng có thể không nhất thiết phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín như vậy mà chỉ cần đeo khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế cho đến nay là tiêu chí an toàn của người lấy mẫu phải đặt lên hàng đầu. Do đó, từ khi dịch bùng phát, tất cả nhân viên y tế đi lấy mẫu đều đã được trang bị trang phục, đồ bảo hộ an toàn, đạt chuẩn. “Với ý kiến cho rằng không cần thiết bộ trang phục bảo hộ, chúng tôi sẽ lưu ý và nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, bỏ bộ trang phục sẽ làm mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế khi tham gia lấy mẫu” - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh Lao động nghiên cứu về những trang phụ bảo hộ có thổi khí từ bên ngoài, giảm nhiệt độ bên trong. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong ngày 1/6, Bắc Giang đã triển khai một số thử nghiệm loại trang phục này, có thể cung cấp rộng rãi cho các nhân viên làm nhiệm vụ lấy mẫu, tiếp nhận, điều trị, hồi sức.

Liên quan vấn đề này, Bộ Y tế đã họp chuyên gia và nhận thấy giải pháp thay thế bộ đồ thoáng khí hơn, dùng quạt thông gió, bán mặt nạ là không khả thi vì có thể gây tăng ô nhiễm khuếch tán, giá thành cao mà không mang lại nhiều hiệu quả. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là sử dụng quạt đeo, giúp không khí đối lưu khi mặc bộ đồ, làm giảm nóng bức khó chịu. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu, chế tạo xong và chờ nhà sản xuất. Ngoài ra, Bộ Y tế đang nghiên cứu thêm nhiều giải pháp để giảm áp lực, ảnh hưởng từ thời tiết tới sức khỏe của nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm.
Để phòng tránh sốc nhiệt, người dân không nên ra ngoài trời vào thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất (từ 11 - 15 giờ). Mỗi người cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt, lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng. Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau một khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai