Phó Chủ tịch TP yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng và các phường chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý để tiến hành cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm nếu chủ công trình tiếp tục cố tình dây dưa, không tự phá dỡ như đã cam kết. Thời hạn xử lý dứt điểm 7 công trình vi phạm TTXD nghiêm trọng trên địa bàn quận là quý III/2012. Vẫn cố tình “câu giờ”
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, trên địa bàn quận có 108 công trình xây dựng. Ngoài 7 công trình vi phạm nghiêm trọng đang được Thành phố chỉ đạo xử lý tại phường Bùi Thị Xuân (6 công trình) và Lê Đại Hành (1 công trình), 3 công trình không phép đã bị đình chỉ ngay từ móng, 3 công trình xây dựng sai phép đã được khắc phục.
Tại địa bàn phường Bùi Thị Xuân, tính đến ngày 26/7, chủ đầu tư của 5 trong số 6 công trình vi phạm nghiêm trọng đã có đơn xin tự tháo dỡ gồm: 19 Triệu Việt Vương, 22 Triệu Việt Vương, 67 Mai Hắc Đế, 86 Mai Hắc Đế, 135 - 137 Bùi Thị Xuân. Hiện các chủ công trình này đã tiến hành phá dỡ nhưng tiến độ rất chậm. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Hiếu thẳng thắn nhìn nhận, chủ công trình vi phạm còn cố tình dây dưa, "câu giờ". Để chuẩn bị cho phương án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, UBND quận đã giao Thanh tra Xây dựng quận đề xuất lựa chọn một số đơn vị có tư cách pháp nhân, có năng lực, kinh nghiệm phá dỡ công trình. Mặc khác, UBND phường Bùi Thị Xuân cùng Thanh tra Xây dựng đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý để việc cưỡng chế tiến hành đúng trình tự, thủ tục. Thời hạn ra quyết định cưỡng chế ngày 25/8.
Trên địa bàn phường Lê Đại Hành, với công trình vi phạm tại 34 Đại Cồ Việt, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm sau 15 ngày tính từ ngày 28/7 (thời hạn để chủ công trình tự phá dỡ). Hiện công trình này đã được cho thuê để làm bệnh viện ung bướu, vì vậy, chính quyền địa phương đã gia hạn thêm 15 ngày để bệnh viện có thể chuyển bệnh nhân sang nơi khác.
Trả lại đất cho công viên
Báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng cho thấy, "điểm nóng" vi phạm TTXD tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, phường Thanh Nhàn, vẫn còn nhiều nhức nhối. Theo quy hoạch điều chỉnh, hiện còn hơn 30 hạng mục chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện, nhiều công trình xây dựng theo nội dung quy hoạch, dự án, nhưng hiện sử dụng không đúng mục đích. Trong khuôn viên được quy hoạch cho công viên hiện có tới 8 sân ten-nít được xây dựng theo hình thức "tạm" ngang nhiên tồn tại cho dù chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu dỡ bỏ. Ngoài ra, còn có sân bóng mi ni và 4 điểm trông giữ xe cũng ở trong tình trạng "tạm"… Hàng loạt quán karaoke đi vào hoạt động bất chấp sự bức xúc của người dân trong khu vực.
Về các vi phạm TTXD tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo, phải trả lại mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch công viên. Chủ đầu tư phải dừng ngay các hoạt động kinh doanh dịch vụ như trông xe, sân bóng mini, sân ten-nít... Thời hạn xử lý dứt điểm các sai phạm là tháng 10/2012. Từ ngày 1/11/2012, sẽ thực hiện mô hình quản lý mới đối với dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Đề án quản lý mới sẽ được trình Thành phố trong tháng 8 tới. Theo đó, với mục tiêu xây dựng một công viên công ích cần giao cho một doanh nghiệp công ích thực hiện.
Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã từng thay đổi chủ đầu tư. Chủ đầu tư đầu tiên (thuộc Thành đoàn Hà Nội) đã để lại cho chủ đầu tư thứ hai (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) khoản nợ gần 100 tỷ đồng.