Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không dễ để đào tạo đại học chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất tâm đắc khi trao đổi về xu hướng đào tạo đại học (ĐH) chất lượng cao (CLC), Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Đào tạo CLC hay chuẩn CLC là xu hướng chung mà các trường ĐH của Việt Nam đang và rất cần thiết phải hướng đến để cung cấp nguồn nhân lực tốt cho xã hội”.

Bài 1: Sản phẩm hiếm của đào tạo đại trà

Bài 2: Muốn đào tạo chất lượng cao, trước hết phải đạt chuẩn

Chất lượng cao chỉ có ý nghĩa thời đoạn

Không dễ để đào tạo đại học chất lượng cao - Ảnh 1Theo như ông nói, đào tạo CLC là con đường mà các trường ĐH trong nước nên đi theo?

- Chúng ta nên quan niệm, đào tạo CLC trước hết là hướng đến một chuẩn chất lượng - đây là chuẩn quan trọng nhất. Trong các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ đến mức độ nào thì được gọi đạt chuẩn CLC. Khái niệm chương trình đào tạo CLC chỉ mang ý nghĩa lịch sử, có thời gian khi tất cả các chương trình trong một cơ sở giáo dục chưa được đầu tư tốt nhất để đạt CLC. Còn khi tất cả đã đạt chuẩn tốt nhất, khái niệm này không còn cần thiết. Vì thế, chương trình CLC chỉ là giải pháp trong một thời đoạn và không đồng nghĩa với việc tất cả các trường đều như nhau. Nghĩa là mỗi đơn vị đào tạo có thể chọn một giải pháp thích hợp cho mình.

Nhưng tôi nghĩ chuẩn chất lượng tốt nhất mới là vấn đề chúng ta cần phải nhằm và bàn tới. Muốn đào tạo CLC thì toàn bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường phải được nâng lên; chứ không phải riêng một chương trình nào đó có thể kỳ vọng được tốt tất cả các ngành cho cả đơn vị. Muốn có chương trình CLC thì phải có điều kiện để đạt chuẩn từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, cách thức tổ chức, phương pháp quản lý, nguồn học liệu.

Làm thế nào để phụ huynh và sinh viên biết được đâu là chương trình đạt CLC, thưa ông?

- Muốn biết chương trình nào tốt, chất lượng hay không thì hãy xem chuẩn đầu ra của nó cao hay thấp, có đạt được những yêu cầu nhà trường đặt ra hay không mới là điều quan trọng. Hiện, trong các quy định của Bộ GD&ĐT về chương trình CLC nêu một số tiêu chí về ngoại ngữ. Trong đó có một số học phần về đào tạo ngoại ngữ, chuẩn năng lực ngoại ngữ, yếu tố tham gia của nước ngoài, các chương trình đào tạo nước ngoài, hợp tác quốc tế là những tiêu chí quan trọng nhất. Tuy nhiên, ngoại ngữ chỉ là một điều kiện. Cũng có các chương trình chuyên sâu về Việt Nam, có những riêng biệt, đòi hỏi về ngoại ngữ chỉ là một yêu cầu trong quá trình đào tạo CLC. Do đó, Bộ cần linh hoạt về yếu tố ngoại ngữ cho các chương trình đào tạo.

Hợp tác quốc tế sẽ tốt nếu…

Hiện nay có nhiều trường ĐH đang thực hiện đào tạo liên kết với nước ngoài theo mô hình 2 + 2 hoặc 3 + 1 (tức là một nửa hoặc 3/4 thời gian được đào tạo ở nước ngoài). Các trường cho rằng đây là chương trình CLC, tuy nhiên điểm đầu vào thấp hơn so với ngành cùng tên của bậc ĐH đại trà, thưa ông?

- Đầu vào quan trọng, nhưng chỉ là một trong các tiêu chí để làm thành chất lượng. Chúng ta không thể nói đầu vào của chương trình này thấp hơn ngành khác cùng tên thì kém, vì phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo, sự hợp thành của nhiều yếu tố. Quan trọng là có sự giám sát của xã hội. Ví dụ, các em muốn tham gia học chương trình đó thì phải tìm hiểu xem đằng sau tuyên bố về CLC có những yếu tố gì để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, người học phải xem xét các điều kiện thực tế về đối tác liên kết, lực lượng giảng viên, thời gian đào tạo, cơ sở đào tạo.

Nhưng nếu sinh viên không đủ khả năng để biết cơ sở liên kết nước ngoài có đạt CLC?

- Về câu chuyện giám sát cũng cần có vai trò của các cơ quan Nhà nước. Chúng ta khó có thể bình luận được.

Theo các tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, nhiều trường không đủ điều kiện để đào tạo CLC. Người ta cho rằng, bây giờ cứ đào tạo theo mô hình liên kết quốc tế để tiệm cận dần với đào tạo CLC. Ông có đồng ý với quan điểm này?

- Theo tôi, liên kết quốc tế cũng là một trong những cách để gia tăng các yếu tố quốc tế hóa về đào tạo. Nếu có sự hợp tác quốc tế với những trường uy tín, triển khai nghiêm túc, có đầy đủ các điều kiện thì đó là yếu tố tốt. Còn nếu sự liên kết ấy với các trường chưa tốt, mình khó có thể nói được điều gì. Cho nên, chúng ta không nên đánh giá chung chung cho việc liên kết quốc tế tốt hay không, mà phải tùy từng chương trình cụ thể.

Xin cảm ơn ông!
Chương trình đào tạo Cử nhân khoa học tài năng của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế tiếp cận và đáp ứng phù hợp 80% các môn học trong chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến, trong nhóm 100 trường ĐH xếp hạng cao nhất thế giới. Chương trình được thiết kế riêng cho sinh viên xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản, từ 160 - 170 tín chỉ. Yêu cầu về trình độ cũng cao hơn, nội dung rộng và sâu hơn so với chương trình chuẩn. Chuẩn đầu ra cũng cao hơn chương trình chuẩn, ví dụ tiếng Anh là C1, tương đương 6.5 IELTS.