983 tỷ đồng phát triển vùng dân tộc miền núi
Năm 2021, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội, sự phối kết hợp chủ động, hiệu quả của các cấp, ban ngành, địa phương nên việc triển khai thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo quy định; đặc biệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Trung ương và TP. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các xã vùng DTTS và miền núi của Thủ đô đảm bảo an ninh, an toàn và thành công tốt đẹp.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã An Phú (huyện Mỹ Đức) có nhiều đổi thay tích cực. Ảnh: Trọng Tùng. |
Ban Dân tộc TP đã phối hợp với 2 huyện: Ba Vì, Thạch Thất tổ chức 4 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho trên 700 lượt người là cán bộ làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở và người DTTS tiêu biểu. Biên soạn, in ấn và cấp phát tổng số 187.570 tờ rơi tuyên truyền về chính sách pháp luật, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu các cấp, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Ban Dân tộc TP đã tham mưu xây dựng và trình UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt là kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030.
“Cụ thể hoá việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình, đến nay, Hà Nội đã bố trí 983 tỷ đồng cho các xã vùng DTTS để tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sự quan tâm, đầu tư lớn của TP đã góp phần từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và khu vực đồng bằng trên địa bàn Thủ đô…” – Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải thông tin thêm.
Người có uy tín được chăm lo thường xuyên
Hà Nội hiện có 14 xã vùng dân tộc miền núi với tổng số 130 thôn. Trong giai đoạn 2011 - 2021, UBND TP đã phê duyệt 1.414 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hàng năm, Ban Dân tộc TP hướng dẫn UBND các huyện rà soát, bình chọn, thay thế, bổ sung người có uy tín theo quy định. Hiện, TP có tổng số 129 người có uy tín, trong đó có 83 người là đảng viên.
Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2011 - 2021, nhìn chung các cấp, ban ngành đều có sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần dành cho người có uy tín. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tết của đồng bào DTTS, người có uy tín khi ốm đau phải điều trị tại bệnh viện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao tặng bằng khen cho 4 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác dân tộc năm 2021. |
Người có uy tín vùng đồng bào DTTS của Hà Nội cũng được cung cấp thông tin thường xuyên về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc, thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các loại báo, tạp chí. Ngoài ra, người có uy tín còn được tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thực tế đã khẳng định, người có uy tín trong đồng bào DTTS là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, người có uy tín còn vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc.
Chú trọng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao kết quả việc thực hiện chính sách dân tộc của Ban Dân tộc và các sở ngành, địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù nhiều nhiệm vụ phải giãn, hoãn, nhưng các sở ngành đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Đặc biệt, chủ động tham mưu, đề xuất UBND TP ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch, hướng đến phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, công tác dân tộc luôn được Hà Nội quan tâm, coi là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, TP vẫn bố trí nguồn kinh phí không nhỏ để hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Hà Nội.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai. UBND các huyện, xã phải thường xuyên kiểm tra, rà soát kỹ những dự án nằm trong mục tiêu kế hoạch của Chương trình. Từ đó xác định tính chính xác, sự cần thiết phải đầu tư, hiệu quả vốn sau đầu tư, đảm bảo tiết kiệm, tuyệt đối không để tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh việc quan tâm và thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín là hết sức cần thiết. “Kỳ họp cuối năm 2021, HĐND TP đã ban hành nghị quyết chuyên đề quy định chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín. Số tiền hỗ trợ tuy chưa nhiều, song thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của TP đối với người có uy tín” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp phải luôn nhận thức đúng vị trí, vai trò của người có uy tín; từ đó thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước và TP đối với người có uy tín.
Đánh giá cao kết quả thực hiện công tác dân tộc của Hà Nội trong năm 2021, Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đề nghị Hà Nội tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Thúc đẩy các mô hình kinh tế hiệu quả, cải thiện đời sống cho đồng bào vùng dân tộc. Trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng cần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hoá vùng dân tộc miền núi. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Thủ đô. |