Kinhtedothi - Cuối tuần qua, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội, người ứng cử ĐB HĐND; giới thiệu người ứng cử ĐB HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội, ứng cử ĐB HĐND trong bầu cử bổ sung.
Về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, các thành viên UBTV Quốc hội cũng đề nghị Nghị quyết cần chốt thời gian cụ thể cho các ngày hiệp thương lần thứ 1, thứ 2, thứ 3 cũng như xác định rõ hiệu lực thi hành để đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Nghị quyết phải thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong hoạt động chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Sự khác biệt giữa những địa phương hiện có và không có HĐND cũng phải được quan tâm hướng dẫn riêng biệt. Nghị quyết cũng cần làm rõ vai trò của người chủ trì hội nghị, hướng hội nghị tập trung vào nội dung chính; không “biến tướng” thành phản ánh, khiếu nại tố cáo… “Với người được giới thiệu thêm, người tự ứng cử cần xem xét, kiểm tra nhân thân; không để người không đủ tiêu chuẩn làm ĐB lọt vào danh sách ứng cử viên. Phải làm như vậy để cử tri yên tâm rằng những người đã đưa vào danh sách đều làm việc được, họ chỉ lựa chọn người mình thấy tốt hơn mà thôi” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh và yêu cầu cần có sự tính toán, nhất là tiêu chuẩn ĐB Quốc hội để khi hiệp thương đảm bảo chất lượng để 896 người giới thiệu cho cử tri là người đủ tiêu chuẩn, từ đó chọn ra 500 người ưu tú, gần dân.
Về hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, Nghị quyết nêu rõ, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc về người ứng cử ĐB Quốc hội, ứng cử ĐB HĐND (cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc. Nếu người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.
Trước khi bế mạc Phiên họp thứ 44, UBTV Quốc hội cũng đã xem xét và thống nhất chưa thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước, mà yêu cầu các đơn vị xây dựng Dự thảo và thẩm tra nghiên cứu, chuẩn bị thêm. Như vậy, trong năm 2016, chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước được giữ nguyên như hiện hành.