Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để nhờn mãi

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều muộn ngày 10/4, tôi có dịp đi qua vực hồ Hoàng Cầu, thấy nhiều người dắt chó đi dạo cùng. Tuy nhiên, họa hoằn lắm mới gặp một con bị rọ mõm, đa phần cứ mặc chúng lè lưỡi, trông phát ớn.

 Ảnh minh họa
Chuyện nuôi chó, chó cắn người vẫn xảy ra. Nhưng chó cắn khiến người tử vong mà khâu quản lý vẫn chưa chặt thì thật đáng phải bàn. Thực tế, quy định về quản lý vật nuôi ở Việt Nam đã khá chặt chẽ. Ví như người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình (theo Quyết định 193/QĐ-TTg, về Phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021”). Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch 30/KH-UBND yêu cầu người dân tuân thủ quy định nêu trên. Với Nghị định 90/2017/NĐ-CP, quy định chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng... Nhưng xem ra, việc thực thi, thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến nuôi chó còn quá lỏng lẻo.
Tại TP Hồ Chí Minh đã lập các đội chuyên săn bắt chó thả rông. Rồi ở Hà Nội, quận Thanh Xuân cũng thí điểm thực hiện. Khi đi vào triển khai thực hiện mới thấy, tưởng dễ mà rất khó. Những người làm nhiệm vụ này có rất nhiều trăn trở, từ "chịu trận" trước lời nói thiếu văn hóa của người nuôi chó đến các chế độ chính sách đi kèm.

Trong khi đó, thời gian gần đây, liên tục xảy ra sự việc liên quan đến "chó cắn người", đáng thương nhất là trường hợp bé trai bị chó cắn tại Hưng Yên đã mất vào đầu tháng này. Rồi trước đó, một bé gái 8 tháng tuổi tại quận Ba Đình đã bị chó ngao Tây Tạng cắn chết... Những vụ việc như thế khiến chúng ta càng thêm đau lòng. Và, cảnh tượng những đàn chó không rọ mõm chạy nhảy tung tăng ở nhiều khu vực công cộng mỗi buổi chiều càng làm chúng ta thêm lo lắng.

Vì vậy, chúng ta không thể chần chừ, cứ mãi "sống chung với vi phạm"; nhanh chóng có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về vật nuôi, để tránh những sự việc đau lòng đáng tiếc có thể xảy ra.