Tuy nhiên, với số lượng khẩu trang được dùng như hiện nay thì thực trạng rác thải cũng rất được quan tâm. Hơn hết, một vấn đề đặt ra là, những chiếc khẩu trang sau khi đã sử dụng sẽ được xử lý như thế nào để tránh các nguy cơ phát tán dịch bệnh tiếp theo cũng như đảm bảo môi trường là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Khẩu trang sau khi sử dụng phải được bỏ đúng nơi quy định
Những ngày gần đây, trước cơn “sốt” khẩu trang y tế , ngành y tế đã khuyến cáo người dân có thể dùng khẩu trang vải chứ không nhất thiết là khẩu trang y tế dùng 1 lần để phòng dịch.
Tuy nhiên, với khẩu trang dùng nhiều lần thì việc sử dụng thế nào để tránh nguy cơ dịch bệnh cũng là điều khiến nhiều người quan tâm, bởi đút vào túi áo, cốp xe hay để ở nơi làm việc đều được cho là không thực sự vệ sinh. Chị Vũ Thị Ngọc (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi thường dùng khẩu trang vải, sau khi dùng sau về nhà tôi thường giặt rồi mới dùng lại, cũng phải có 2,3 cái để thay đổi”.
Còn với khẩu trang y tế, đeo thì dễ mà cũng không tốn thời gian giặt nhưng thu gom thế nào để tránh các nguy cơ tiếp cũng là vấn đề nan giải. Thực tế tại các khu dân cư, các cơ quan công sở, công ty…người dân sau khi sử dụng khẩu trang thường bỏ vào thùng rác chung của gia đình hoặc nơi làm việc.
Chị Nguyễn Hương Giang, làm việc tại Công ty du lịch Sa Pa (quận Hoàn Kiếm) là nơi đón tiếp nhiều khách du lịch chia sẻ: “Nhân viên trong công ty tôi sau giờ làm việc đều bỏ khẩu trang y tế vào túi giấy sau đó vứt vào thùng rác, ra về sẽ dùng khẩu trang khác. Đối với khách du lịch đến công ty, chúng tôi đều khuyến khích họ cũng làm như vậy nếu muốn vứt bỏ khẩu trang để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Dù có những điểm thu gom, xử lý rác thải nhưng khẩu trang y tế vẫn được vẫn bừa bãi quanh các điểm tập kết rác |
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức, sau khi dùng khẩu trang y tế xong vẫn tiện tay vứt ra đường, vỉa hè, nơi công cộng. Việc làm đó không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, dẫn đến một lượng rác thải không nhỏ mà còn gây phát tán mầm bệnh và tăng ô nhiễm từ chính khẩu trang.
Không để phát tán mầm bệnh
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng khẩu trang để phòng chống và ngăn ngừa dịch viêm phổi do nCoV là điều cần thiết, nhưng người dân cần có cách sử dụng hợp vệ sinh, sau khi sử dụng xong người dân nên có ý thức vứt vào thùng rác công cộng, hoặc gói gọn vào để trong túi về nhà vứt vào thùng rác nhà mình, không nên vứt khẩu trang sau khi sử dụng bừa bãi tại nơi làm việc, gia đình hay nơi công cộng, bởi đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh.
Khi tháo khẩu trang, người dân nên cuộn mặt ngoài của khẩu trang vào trong, cho vào túi nilon bọc kín lại để vào trong xe ô tô hoặc xe máy để đến cuối ngày đem giặt bằng xà phòng và phơi nắng thường xuyên. Đối với khẩu trang y tế dùng 1 lần nên cuộn lại và để vào một túi riêng và vứt cùng rác sinh hoạt.
Đối với việc xử lý, thu gom khẩu trang, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa) cho biết: “Với rác thải y tế trong bệnh viện chứa rất nhiều các loại bệnh khác nhau nhưng lại tập trung được nên họ có cách xử lý riêng và đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, với riêng khẩu trang y tế, sau khi dùng xong nếu có thể tập trung, thu gom lại để xử lý bằng cách đốt đi là rất tốt, triệt để hơn rất nhiều nhưng khó có thể làm được điều này. Vì vậy việc người dân dùng xong có ý thức vứt vào thùng rác, vứt đúng nơi quy định để bảo vệ mình, mọi người và bảo vệ môi trường mới là biện pháp hữu hiệu nhất vào thời điểm này.
Đặc biệt, trong những trường hợp khu vực có dịch cần thông báo cho những cán bộ làm khâu xử lý môi trường, những khẩu trang dùng một lần cần phải thu gom vào một túi riêng để xử lý, phải được bọc kín vào không để lây lan ra xung quanh Những người đó cũng phải dung khẩu trang y tế, dùng que, hay dụng cụ để gắp, hoặc đeo gang tay, dùng túi kín để cho vào, đưa đi để xử lý an toàn, tốt nhất là cho vào lò đốt hoặc chôn lấp an toàn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết thêm, khẩu trang y tế dùng một lần được làm bằng vải, không phải bằng ni lông có một số loại có tẩm than hoạt tính nên có thể xử lý giống như xử lý rác thải sinh hoạt thông thường, không gây ảnh hưởng đến môi trường giống như rác thải nhựa, túi nilon.
Tuy nhiên, trong trường hợp khẩu trang y tế bị nhiễm bệnh phải được xử lý theo đúng quy trình của ngành y tế, để hạn chế sự lây nhiễm ra cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn của các khoa tại bệnh viện đều có sự giám sát rất chặt chẽ, không chỉ khẩu trang mà các loại rác khác đều được khuyến cáo để bỏ vào thúng rác. Với dịch nCov như hiện nay, chúng tôi đã và đang tuyên truyền rất mạnh về việc bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân phải vứt khẩu trang đúng quy định như việc phát tờ rơi, hay nhắc nhở tới từng người. Bộ TN&MT đã ban hành công văn số 483/BTNMT- VP ngày 1/2/2020 yêu cầu Tổng cục Môi trường chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng phương án bảo vệ môi trường trong phóng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế hướng dẫn xử lý khẩu trang sau khi đã sử dụng bảo đảm vệ sinh và bảo vệ môi trường. |