Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để thiếu hàng, sốt giá mùa dịch

Hoài Nam - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phục vụ tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, có phương án điều tiết nguồn hàng kịp thời cung ứng cho các tỉnh, TP có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Hà Đông ngày 2/8. Ảnh: Hoài Nam
Bảo đảm nguồn hàng, ổn định giá cả
Dịch Covid-19 đang quay lại và diễn biến khó lường đã tác động đến tâm lý người dân và ảnh hưởng tới thị trường các hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, theo khảo sát của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tình hình thị trường tại các địa phương có dịch cũng như các địa phương trên cả nước tương đối ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mua gom tích trữ lương thực, thực phẩm. Cùng với đó, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu, giá cả tương đối ổn định do người dân đã có kinh nghiệm từ lần dịch trước nên đã bình tĩnh hơn trước các diễn biến của dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Sở Công Thương các địa phương và các DN kinh doanh phân phối lớn thực hiện các biện pháp về điều tiết, dự trữ hàng hóa nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các địa phương. Hiện, cả 63/63 tỉnh, TP và nhiều DN phân phối trên cả nước đã có phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.
Trong trường hợp vượt ngoài khả năng điều phối của tỉnh, Bộ Công Thương đã có phương án để hỗ trợ, điều phối nguồn hàng thiết yếu liên tỉnh khi cần thiết. Theo đó, nguồn hàng thiết yếu điều phối liên tỉnh, gồm: Gạo, thịt gia súc, gia cầm, sữa, mỳ gói, xăng dầu, giấy vệ sinh và khẩu trang. Đáng chú ý, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống, Sở Công Thương các tỉnh, TP luôn bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các DN phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo các phương án, kịch bản đã xây dựng, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Hà Nội không thiếu hàng thiết yếu
Ghi nhận của phóng viên tại hệ thống siêu thị VinMart Phạm Ngọc Thạch, BigC Thăng Long, Co.opmart Hà Đông... dù dịch Covid-19 đã quay trở lại nhưng không khí mua sắm của người dân vẫn diễn ra bình thường. Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, nhiều người tiêu dùng đang mua hàng cho biết, không như đợt dịch lần trước tôi mua dự trữ khá nhiều thực phẩm, lần này họ chỉ mua đủ dùng cho 2 - 3 ngày. Khách hàng Phương Anh cho biết: Đợt dịch trước tôi đã mua khá nhiều thực phẩm khô ăn cả tháng mới hết, nên lần này chỉ mua thực phẩm đủ dùng trong vài ngày, dùng hết lại mua thêm bởi chợ và siêu thị không thiếu hàng hóa.
Nhằm bảo đảm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hiện các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh dự trữ hàng hóa. Thực tế kiểm tra khả năng cung ứng và dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong dịch Covid-19 tại siêu thị Big C, Co.opmart Hà Đông do Bộ Công Thương thực hiện (2/8) cho thấy: Các siêu thị tăng nguồn hàng dự trữ từ 50 - 300% lượng hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19 bùng phát trở lại.
Giám đốc Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin: Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được đơn vị tăng cường dự trữ tại tổng kho sẵn sàng phục vụ người dân chống dịch. Mặt hàng khẩu trang, gel rửa tay... cũng được dự trữ sẵn cho hệ thống siêu thị Co.opmart cả nước. “Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Co.opmart Hà Nội vẫn có đủ nguồn hàng cung ứng” - bà Dung khẳng định. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết: Ngoài các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, Big C Thăng Long tăng cường nguồn hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng và triển khai 3 phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, tổng trị giá 194.000 tỷ đồng. Lên phương án dự trữ thêm hàng hóa phục vụ các tỉnh, TP vùng đồng bằng Bắc Bộ, bảo đảm đủ nguồn cung dù dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp. “Nếu dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn TP thì các DN đã dự trữ đủ lượng hàng hóa để phục vụ người dân trong nhiều ngày ” - bà Lan khẳng định.

Nhằm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân Thủ đô khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại 50 siêu thị và tăng gấp 10 lần tại Kho trung tâm. Trong đó, tập trung vào 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng

Bộ Công Thương khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng, nghe theo các tin đồn thất thiệt mà tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện, các lực lượng chức năng của ngành Công Thương đã xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa; đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các địa phương tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.