Không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu sau Tết Nguyên đán

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Siết chặt kiểm soát kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; linh hoạt điều hành giá xăng dầu sát với diễn biến thị trường thế giới là những giải pháp trọng tâm của Bộ Công Thương tại thời điểm này.

Xử phạt nhiều cây xăng dầu tự ý đóng cửa, bán hàng nhỏ giọt

Những ngày đầu năm mới, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã quyết liệt vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi ngừng bán hàng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

QLTT Ninh Bình kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tổng cục QLTT
QLTT Ninh Bình kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tổng cục QLTT

Đơn cử như trong ngày 30/1, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã phát hiện cửa hàng xăng dầu Gia Lập thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Long tự ý đóng cửa, ngừng các hoạt động bán lẻ xăng dầu mà không có lý do. Đội QLTT số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với DN này.

Cùng ngày, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã kiểm tra cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH Phúc Lâm Châu, tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện nhân viên cửa hàng giới hạn số lượng xăng, dầu bán cho khách hàng (đối với mặt hàng xăng Ron95 chỉ giới hạn bán 30.000 đồng/1 lượt xe máy và 300.000 đồng/lượt ô tô).

Đoàn kiểm tra tiến hành đo lượng xăng dầu tại bể chứa của cửa hàng, xăng RON 95 còn tồn 10.782 lít, dầu Diesel tồn 7.823 lít. Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 15.000.000 đồng đối với Công ty TNHH Phúc Lâm Châu về hành vi giảm lượng bán hàng ra so với thời gian trước đó.

Tại Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội cũng đã lập 3 tổ công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Theo đó, 3 tổ công tác sẽ nắm bắt tình hình thị trường thực tế; đồng thời, làm việc với các đội QLTT và chỉ đạo trực tiếp công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn.

QLTT Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Ảnh: Hoài Nam
QLTT Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Ảnh: Hoài Nam

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn TP vẫn có một số cây xăng tạm ngừng bán hàng vì chưa kịp nhập hàng về. Tổ công tác đã yêu cầu các đội QLTT thực hiện nghiệp vụ giám sát, xác định nguyên nhân để có những biện pháp xử lý hành vi vi phạm.

Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các thương nhân phân phối và đầu mối xăng, dầu không nằm trên địa bàn Hà Nội nếu có vi phạm. Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh các cửa hàng xăng, dầu trong việc nhập hàng để đảm bảo đủ xăng, dầu phục vụ Nhân dân, không để gián đoạn việc bán hàng.

Linh hoạt điều hành giá, tạo nguồn cung ổn định

Để hạn chế những tác động của thị trường xăng dầu thế giới tới thị trường xăng dầu trong nước, việc Bộ Công Thương ngay trong những ngày nghỉ Tết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, có văn bản trình Chính phủ cho phép điều chỉnh giá xăng dầu vào 19 giờ ngày 30/1/2023 thay cho thời điểm vào ngày 1/2/2023 (tức là sớm hơn 2 ngày so với quy định) đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt của Bộ Công Thương trong việc điều hành giá xăng dầu.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc điều hành thị trường xăng dầu theo hướng chủ động, linh hoạt của Bộ Công Thương đem lại những tác động tích cực đối với DN kinh doanh xăng dầu nói riêng và cộng đồng DN nói chung. Bởi nếu điều hành giá xăng dầu phù hợp sẽ giúp chấm dứt tình trạng nhiều DN xăng dầu dừng bán hàng để chờ tăng giá như đã từng xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua.

Động thái này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các DN kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.

Điều hành linh hoạt là đòi hỏi cần thiết nhưng công cụ điều hành cũng cần sự chuyên nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu tại các DN đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các DN thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu xăng dầu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Song song đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh để khuyến khích các DN tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

 

Trong những ngày tới, Tổng cục QLTT tiếp tục triển khai nghiêm chỉ đạo Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo của Tổng cục QLTT về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, đảm bảo cho thị trường xăng dầu vận hành ổn định, thông suốt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT Hoàng Ánh Dương