Tham dự hội nghị có Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, đại diện các ngành chúc năng của T.Ư. Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Thường trực MTTQ TP, các sở, ngành chức năng TP tham dự.
Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội. Ảnh: VOV |
Đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị cho thấy, MTTQ Việt Nam phối hợp 10 bộ, ngành triển khai chương trình giám sát (GS) ở các vấn đề, lĩnh vực như: chính sách với người có công; BVMT; thực hiện pháp luật về BHXH; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp… Tại các tỉnh, TP đã tổ chức 721 cuộc GS, cấp huyện 6.404 cuộc GS, cấp xã 49.564 cuộc GS. MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tổ chức được 784 cuộc PBXH.... Theo Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh, 3 năm qua, MTTQ TP đã tổ chức 10 hội nghị PBXH; cấp huyện: 125 hội nghị, cấp xã: 692 hội nghị PBXH.
Nhấn mạnh nhận định, không làm giám sát, phản biện thì việc xa dân, quan liêu, sai phạm không thể khắc phục được, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: Trong 3 năm qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 được tiến hành tích cực và có nhiều kết quả ý nghĩa. Hoạt động GS đã thấm sâu vào hệ thống các tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện GS, phản biện phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đủ sức đeo bám đến cùng. Mặt trận cũng phải sử dụng tối đa vai trò của các tổ chức thành viên trong hoạt động GS, phản biện.
Thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận T.Ư nên có văn bản phối hợp, hướng dẫn việc Mặt trận và các tổ chức thành viên góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Hàng năm, cần có sơ kết về công tác phối hợp trong thực hiện các Quyết định, để cuối năm 2018 tổ chức tổng kết năm năm triển khai, báo cáo với Ban Bí thư và phục vụ tốt cho Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9, tổ chức vào năm 2019.