Trong không khí nao nao của Tết sắp đến, xuân đang về, ThS. KTS Vũ Hoài Đức - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về nỗi tiếc nhớ ấy và những mong mỏi, trăn trở của người làm nghề quy hoạch.
Cấu trúc truyền thống bị phá vỡ
Trong gần một thế kỷ rưỡi, Hà Nội đô thị hóa theo mô hình hiện đại, con người đã và đang ứng xử với làng xóm theo hai cung cách hoàn toàn trái ngược: Hoặc "can thiệp sâu và quyết liệt làm thay đổi cấu trúc làng xóm" hoặc "để làng xóm phát triển tự phát phá vỡ cấu trúc truyền thống".
Trở lại với quá khứ, mang theo "Giấc mơ Tây Phương ở Viễn Đông", người Pháp đã thực hiện quá trình đô thị hóa ở Hà Nội một cách triệt để. Dấu tích của làng xóm Việt tại khu phố cũ của Hà Nội rất khó nhận ra đối với mọi người, kể cả đối với nhiều chuyên gia. Hầu hết các làng, thôn - xóm của người Việt trong khu vực này đã được "can thiệp sâu và quyết liệt". Cấu trúc cơ bản của làng xóm ở đây đã bị thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, những thôn - làng gắn liền với những địa danh: Hàm Khánh, Tây Long, Nhân Chiểu, Hàm Châu, Nguyên Khánh, Yên Tập, Tử Mỹ (thuộc huyện Thọ Xương cũ) trên địa bàn khu phố cũ phía nam quận Hoàn Kiếm, giờ chẳng mấy ai, ngoài những nhà nghiên cứu, còn nhớ. Mặc dù vậy, các công trình kiến trúc truyền thống Việt như đình, đền, chùa, miếu... vẫn lẩn khuất trong các ô phố dạng ô bàn cờ; đan xen với các công trình kiến trúc mang nhiều phong cách khác nhau của thời kỳ thuộc địa. Những xóm nhỏ: Hạ Hồi, Hội Vũ, Nam Ngư, Tức Mạc, Liên Trì... vẫn mang trong mình những hình thái nhà cửa của người Hà Nội xưa, tồn tại bên cạnh những biệt thự rộng rãi, hay những công trình công cộng hoành tráng. Đây thực sự là những vết tích của những xóm nhỏ còn sót lại của những làng quê cũ xen cài trong cấu trúc đô thị hiện đại mà người Pháp đã thiết lập nên ở Hà Nội.
Hơn 60 năm sau ngày giải phóng, trải qua một quãng đường hào hùng và gian khó, Thủ đô đã và đang phát triển bùng nổ, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Bên cạnh những bất cập mà bất cứ đô thị nào trong giai đoạn phát triển cũng gặp phải như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, quá tải… Những khu vực làng xóm cũ ven đô, từng bước trở thành cư dân đô thị, nhưng lại hoàn toàn trở thành "khoảng trống" thực sự trong việc quản lý xây dựng hay trong việc cải tạo, bảo tồn. Xóm làng với những địa danh: Ngọc Hà, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Mai Động, Kim Ngưu, Kim Liên, Trung Tự, Thịnh Hào, Vĩnh Hồ, Khương Thượng... vẫn còn nguyên ở đó trong 4 quận nội thành cũ. Nhưng nay còn lại những gì?
Những nguy cơ hiện hữu
Hồ, ao, các khoảng đất canh tác xen cài trong làng xóm dần bị xóa bỏ thay thế bằng những công trình khác. Người dân tự tách nhỏ các khu đất nhà ở của cha ông trong làng xóm để bán thu lời hay sinh nhai, chia thừa kế cho con cái. Mật độ xây dựng cứ thế tăng dần. Đường làng ngày xưa tuy nhỏ nhưng có dáng vẻ “thanh thản”. Giờ đây những con đường ấy bị “bóp ngẹt” bởi các công trình xây dựng hai bên. Vẫn còn đó những đình, đền, chùa... nhưng hiếm có công trình nào còn có không gian để "thở". Giờ đây, chính những công trình ấy lại trở thành những khoảng không gian thoáng đãng còn sót lại của làng xóm xưa. Thật khó để tìm thấy những cổng làng, những cây đa, giếng nước đầu làng... những không gian mang "linh hồn" của làng quê ở nơi "làng trong đô thị" ấy.
Đáng lo là hình thái ấy vẫn đang âm thầm lan tỏa ra các khu vực đang phát triển đô thị mạnh mẽ từ Nhật Tân, Nghĩa Đô, Quan Hoa, Dịch Vọng... qua Yên Hòa, Trung Hòa, Nhân Chính, Cự Lộc, Chính Kinh xuống Khương Trung, Kim Giang, Định Công, Bằng Liệt, Thịnh Liệt... đến tận Vĩnh Hưng, Vĩnh Tuy, Yên Sở.
Nhưng xa hơn nữa, chính là sự phát triển của làng xóm ở các khu vực xa đô thị. Những con đường đổ bê tông thay thế những con đường lát gạch chỉ mềm mại xưa kia... (đi trên đó chẳng hề dễ chịu như trên những con đường xưa cũ), những công trình kiến trúc đủ hình thức thi nhau thay thế những nhà mái ngói ba gian truyền thống của làng quê. Những vườn cây, rặng tre đang dần biến mất hay bị che khuất bởi những khối bê tông nhại lại bóng hình đô thị. Đã đành đi đôi với quá trình phát triển là sự xuất hiện của những cái mới, thay thế cái cũ. Nhưng để những cái mới dần phá vỡ không gian và bộ mặt truyền thống quý giá của xóm làng thì thật đáng buồn.
Bao năm qua, chúng ta đang bỏ ngỏ việc quy hoạch - xây dựng làng xóm cả trong và ngoài đô thị. Hầu hết các làng xóm đều được khoanh lại trong quy hoạch xây dựng, ngoại trừ các hệ thống đình, đền chùa được giữ lại; một vài nét vẽ đứt đoạn cho những con đường dự kiến mở rộng. Nhà ở trong làng xóm có mật độ xây dựng - tầng cao được xác định trung bình... và tất cả sẽ "thực hiện theo dự án riêng"...
Đừng để hối tiếc khi quá muộn
Rất nhiều những nghiên cứu bảo tồn làng truyền thống, nhưng chưa thể đi vào thực tiễn. Vẫn còn đó câu chuyện người dân Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di sản để mong có điều kiện sống tốt hơn. Lời giải nào cho bài toán bảo tồn trong dòng chảy của thời đại thật không dễ. Dẫu đã có đôi chút thành công ở những làng nghề: Bát Tràng, Vạn Phúc nhưng những mô hình như vậy thật hiếm hoi và cũng vẫn còn nhiều trăn trở.
Chắc rằng, ai cũng sẽ thích thú khi thấy những công trình mới có quy mô vừa phải, hài hòa... thấp thoáng bên xóm làng truyền thống; ai cũng mong thấy cổng làng xưa cũ được lưu giữ, con đường làng khoác trên mình hàng gạch đỏ au. Chỉ một lũy tre, gốc cây, bờ ao được bảo vệ vẹn toàn... cũng là điều vô cùng quý giá. Và sẽ tốt hơn biết bao nếu có những nguồn sống mới để níu giữ người dân ở lại với xóm làng; để họ không phải bán đi mảnh đất của cha ông hoặc phải chia nhỏ ra. Biết rằng là việc rất khó, biết rằng vẫn còn bề bộn với nhiều kế hoạch và dự định cho một đô thị lớn nhưng đã đến lúc đầu tư nhiều hơn cả về trí và lực cho bảo tồn, cải tạo và dựng xây làng quê trong thời đại mới.
Đất nước đang đổi thay từng ngày. Thủ đô ngày càng phát triển văn minh hiện đại, càng cần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, mà làng quê là nơi hàm chứa những giá trị cốt lõi. Bởi vậy hãy ứng xử, hãy dành cho làng xóm sự quan tâm thích đáng - bởi đó chính là những tế bào, nơi lưu giữ cội rễ, hồn người, hồn dân tộc.
Làng Ngọc Hà đã đô thị hóa. Ảnh: Hải Linh
|
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự: "Thành thị đôi khi là một khái niệm về không gian nhưng làng quê luôn là khái niệm văn hóa. Một nhân vật đi từ ngã tư này đến góc phố kia chỉ gợi lên sự di chuyển, nhưng một nhân vật đi từ chiếc cổng làng ra bến sông lại gợi lên biết bao là kỷ niệm trong lòng người. So với những trang viết về thành thị, những trang viết về làng quê của tôi bao giờ cũng nhiều cảm xúc hơn. Tôi cho rằng trái tim con người vẫn mãi mãi thuộc về làng quê, ngay cả khi làng quê đó đã biến mất khỏi mặt đất..." . |