Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không giao “quyền” cho lớp trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn đang làm đau đầu không chỉ các nhà làm giáo dục:...

Kinhtedothi - Đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn đang làm đau đầu không chỉ các nhà làm giáo dục: “Làm gì để ngăn chặn từ trong trứng nước những mầm mống, hành vi bạo lực học đường?”, không ít người cho rằng, từ trong môi trường lớp học, phải loại bỏ ngay tình trạng giao quyền không kiểm soát cho lớp trưởng.

Lớp trưởng lộng quyền

Một thực tế hiện nay là ở trong các nhà trường, các thầy cô, đặc biệt là giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp gần như giao toàn quyền cho lớp trưởng, lớp phó và những học sinh (HS) được phân công làm sao đỏ quản lớp. Và các “cán bộ” này đã tự cho mình quyền phạt, đánh hay yêu cầu các bạn phải làm theo ý mình… Hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến ở các cấp học, nhất là ở bậc tiểu học.

 
Giờ học toán của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. 	Ảnh: Công Hùng
Giờ học toán của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng
Chị Nguyễn Thúy, có con học lớp 4 ở một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, cách đây mấy hôm, tối đi học về, con chị đi lom khom kêu đau chân. Hỏi thì con bảo bị bạn lớp trưởng phạt bắt đứng lên, ngồi xuống 150 lần vì con ra khỏi chỗ khi cô giáo chưa vào lớp. Lớp trưởng còn “ra lệnh” cho một bạn khác ra đếm để giám sát, nhưng con chỉ đứng lên ngồi xuống được hơn 50 lần rồi ngồi phệt xuống đất. Cháu còn kể, ở lớp, bạn lớp trưởng còn cầm thước của cô vụt các bạn... “Tôi định sẽ đến gặp cô chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường để phản ánh lại việc này. Không thể để cho một HS thích đánh bạn là đánh, thích phạt là phạt, việc này hết sức vô lý” - chị Thúy bức xúc.
Yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể nhà trường
Chiều 17/3, bà Lê Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm đã xác nhận những cảnh ẩu đả giữa hai nhóm nam sinh đang mặc đồng phục trong Clip hôm 10/3  có sự tham gia của HS trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau giờ tan học. Địa điểm xảy ra cách cổng trường 700m. Phòng GD&ĐT Bắc Từ Liêm đã yêu cầu nhà trường phối hợp với CATP, CAQ tìm hiểu rõ sự việc để có biện pháp xử lý, khắc phục. Cũng trong ngày 17/3, UBND quận Bắc Từ Liêm đã yêu cầu Ban Giám hiệu trường THCS Phúc Diễn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, báo cáo về sự việc nêu trên, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục, nắm bắt, xử lý thông tin kịp thời với các cấp có thẩm quyền. Chủ tịch UBND quận cũng giao Công an quận Bắc Từ Liêm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe các hành vi vi phạm.

Có thể nói, cơ chế quản lý trên cơ sở “học sinh tự quản” đã và đang biến tướng. Ngay như vụ HS đánh bạn ở Trà Vinh xảy ra tương đối công khai, dễ nhận thấy lớp trưởng đã trở thành “thủ lĩnh”, có quyền đánh bạn, ra lệnh cho bạn đánh nhau, ra lệnh cho “phe” của mình trừng phạt bạn trong lớp. Chia sẻ vấn đề này, một GV đã nghỉ hưu ở Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thừa nhận, GV chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường mới chỉ nắm thông tin HS duy nhất qua hệ thống cán bộ lớp. “Kiểu quản lý của nhà trường phổ thông lâu nay đã dần dần biến tướng thành những cơ chế phản giáo dục, sai lệch, trái ngược với lời kêu gọi nhà trường “Thi đua dạy tốt và học tốt”. Cần xem xét cơ chế quản lý HS trong các trường phổ thông hiện nay để xây dựng một cơ chế quản lý mới trên cơ sở đề cao tính tự giác của HS, thật sự giúp HS tự quản. Cần loại bỏ cơ chế giao cho lớp trưởng có quyền lực trong lớp học như đã và đang tồn tại lâu nay” - GV này nhấn mạnh.

Hậu quả của việc “khoán trắng”

Nhiều ý kiến cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các môn khoa học xã hội nhằm tạo dựng nền tảng văn hóa, đạo đức cho HS được giảng dạy kém hiệu quả với nhiều bất cập. Trong đó, môn đạo đức - giáo dục công dân lại thiếu giá trị ứng dụng, nặng lý thuyết, thiếu thực hành. Bên cạnh đó, tại các trường học hiện nay, GV chủ nhiệm đang “gánh” quá nhiều việc, từ các hoạt động phong trào đến công tác chuyên môn nên dễ có tình trạng GV “khoán trắng” cho lớp trưởng, để lớp trưởng làm thay mình nhiều việc, điển hình là việc quản lớp.

Cô Nguyễn Phương L., giáo viên THCS ở quận Tây Hồ khẳng định, nhiều GV chủ nhiệm quá tin tưởng và giao quyền tự quản, tự quyết cho lớp trưởng, đó cũng là một trong những mầm mống cho bạo lực học đường nảy sinh. “Sự tin tưởng, dễ dãi của GV dễ tạo tâm lý cho HS làm lớp trưởng nghĩ mình có nhiều quyền lực, ngạo mạn với các bạn trong lớp, ai không nghe lời, làm trái ý là phạt mà quên mất rằng tất cả HS đều bình đẳng như nhau. Việc lớp trưởng giúp GV chủ nhiệm quản lớp, thông báo sự việc, biến cố xảy ra trong lớp là điều tốt. Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho lớp trưởng, GV nên giao công việc cụ thể: Hướng dẫn việc cần làm và những điều không được phép vượt giới hạn thật rõ ràng, không để tình trạng lớp trưởng lộng quyền làm những điều sai trái” - cô L. phân tích.

“Mổ xẻ” vấn đề trên nhiều góc độ, song xét cho cùng, để ngăn chặn bạo lực học đường, trước tiên vẫn cần bắt đầu từ chính gia đình của mỗi HS. Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải có các biện pháp cấp thiết, mang tính lâu dài để nâng cao nhận thức, hướng HS đến việc hình thành nhân cách sống; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Ngoài ra, bản thân GV, đặc biệt là GV chủ nhiệm, cũng cần sát sao với HS, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn ngay những hành vi lệch chuẩn về đạo đức.

 
Liên quan đến clip trên mạng ngày 15/3 giữa hai nhóm nam sinh lớp 9 THCS Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lao vào đánh đấm nhau. Hiện, Sở GD&ĐT đang chờ báo cáo kết luận của Ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu bên cơ quan công an tìm ra người quay clip phát tán những hình ảnh bạo lực và có những hình thức xử lý nghiêm khắc đối tượng này. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn bạo lực trong trường học, Sở  GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; công tác giáo dục ATGT đến tất cả học sinh trên địa bàn TP.
Nguyễn Hiệp Thống
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội