Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không hề dễ vay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Với vấn đề tài sản thế chấp, chứng minh nguồn trả nợ làm thế nào để "mở" hơn, hiện, chúng ta chưa thể "thông" hết tất cả được" - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết.

Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận nguồn vốn lãi suất 6% của cá nhân và doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại?  

- Hiện nay, số tồn kho hàng bất động sản cũ còn rất lớn. Đó là hàng bất động sản cao cấp và trung cấp. Dòng hàng này không thể đưa chuyển sang thành nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp được. Vì nếu như thế sẽ phải thiết kế, thay đổi lại kiến trúc. Ví dụ như khu nhà cao cấp có bể bơi, công viên, giờ bắt người thu nhập thấp đóng phí cao thì khó ai chịu được. Do vậy, sẽ khó khăn trong việc phân phối.

Còn nhà thu nhập thấp, đúng chuẩn thì đang xây, ít nhất là 1 đến 2 năm mới vận hành, khi đó làm sao đưa vốn ra ngay được? Việc xét duyệt các cấp như thế nào? Người trong cơ quan Nhà nước thì chứng nhận được, nhưng người làm ngoài thì ai chứng minh được khả năng trả nợ. Đó cũng là cái khó.Về vấn đề trả nợ cũng cần xem xét thêm. Có ngân hàng cho khách hàng vay 10 năm, 15 năm thậm chí 20 năm. Nhưng, nếu một gia đình cán bộ có thu nhập 10 - 12 triệu đồng, phải mua nhà 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, mỗi năm trả 50 - 70 triệu đồng cho ngân hàng, mỗi tháng phải trả 7 triệu đồng. Như vậy, thu nhập còn lại là 4 hoặc 5 triệu đồng, nếu nuôi thêm đứa con nữa thì như thế nào. Qua đó có thể thấy, dòng vốn này không hề dễ vay đối với nhiều người. 

Một trong những điểm "tắc" khiến khách hàng bức xúc là việc ngân hàng ưu tiên cho vay các khách hàng có thêm nhiều nguồn trả nợ, nguồn thế chấp khác và cả những dự án có liên kết với ngân hàng. Theo ông, để giải quyết điểm tắc này có dễ không, thưa ông?

- Thực ra, việc các ngân hàng cẩn trọng và có những tính toán trong cho vay là điều dễ hiểu. Vì họ phải chịu trách nhiệm trong các quyết định cho vay của mình. 

Với vấn đề tài sản thế chấp, chứng minh nguồn trả nợ làm thế nào để "mở" hơn, hiện, chúng ta chưa thể "thông" hết tất cả được. Cơ quan quản lý nói là sẽ triển khai, nghiên cứu tắc ở đâu thì giải quyết ở đó, nhưng tôi e rằng, khả năng giải quyết điểm tắc là rất lâu.

Liệu có chuyện, tiền ra cửa trước, nhưng lại vào cửa sau ngân hàng, nghĩa là ngân hàng chỉ cho vay những dự án mà chính họ rót vốn vào đó không, thưa ông?

- Đúng là cũng nên cân nhắc chuyện một anh làm nhà và một anh cấp vốn thông đồng cùng nhau. Thực ra, bất kỳ trường hợp nào cũng có lợi ích nhóm, do vậy cần phải tìm chế tài để hạn chế.

Xin cảm ơn ông!