Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không hợp lý ​khi tích hợp Lịch sử với Giáo dục công dân!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 50 năm giảng dạy và gắn bó với môn Lịch sử, TS Lê Vinh Quốc - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân thành môn Công dân với Tổ quốc là không hợp lý.

Theo ông, vai trò, vị trí của môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) hiện nay có bị “nhẹ” đi?

- Trong mọi chương trình GDPT, Lịch sử là môn học chủ yếu để giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, giáo dục những giá trị nhân văn của nhân loại để các dân tộc cùng chung sống với nhau. Hơn thế, tri thức lịch sử tạo dựng nền tảng văn hóa cho con người hoạt động trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học... Bởi thế, Lịch sử luôn có vai trò quan trọng trong chương trình GDPT của mọi quốc gia. Ở các nước tiên tiến, Lịch sử thường là một trong 3 môn hàng đầu được dành nhiều thời gian dạy học nhất trong chương trình GDPT (2 môn kia là Quốc văn và Toán). Đối với 3 lớp cuối trung học, chương trình của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay dành cho Lịch sử 3 - 4 giờ/tuần (tương đương môn Nga văn và chỉ kém môn Toán); các chương trình của Mỹ thường dành cho Lịch sử 3 - 3,5 tín chỉ (tương đương thời gian dành cho Anh văn cũng như cho Toán); chương trình tích hợp của Pháp dành cho Sử - Địa một thời lượng tương đương với Văn - Triết hay Lý - Hóa.
Một tiết học Lịch sử tại trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa.	 Ảnh: Phạm Hùng
Một tiết học Lịch sử tại trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi đó, chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam xếp Lịch sử vào nhóm được dành quỹ thời gian rất thấp (chỉ bằng 1/3 thời lượng dành cho Toán hoặc Ngữ văn). Với quỹ thời gian như vậy, Lịch sử đã trở thành “môn phụ” trong chương trình GDPT nói chung và chương trình THPT nói riêng. Sự hạn hẹp về quỹ thời gian đã chứng tỏ sai lầm trong việc xác định vai trò của bộ môn Lịch sử trong hệ thống các môn học của chương trình GDPT hiện hành. Chính sai lầm này là nguồn gốc dẫn đến sự quá tải của chương trình bộ môn Lịch sử, nhồi nhét quá nhiều nội dung kiến thức trong những khung thời gian quá hẹp. Để sửa chữa sai lầm này, Hội thảo khoa học quốc gia về dạy - học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tháng 8/2012 đã xác định lại vị trí vai trò của môn Lịch sử cho đúng tầm quan trọng của nó, vạch ra phương hướng đúng đắn để đổi mới chương trình học hướng tới công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của nước nhà. Tiếc rằng, khi xây dựng chương trình GDPT tổng thể, Bộ không tính đến những kết luận của hội thảo do chính mình tổ chức trước đó.

Vậy, ý kiến của ông về tích hợp môn Lịch sử và môn Giáo dục công dân thành môn Công dân và Tổ quốc như thế nào?

- Chương trình cải cách tổng thể của Bộ GD&ĐT có những cái mới tích cực, phát huy được tính tự chủ của người học, tránh được sự áp đặt học thuộc lòng như trước đây. Nhưng khi đi vào kết cấu cụ thể của từng môn học còn có những vấn đề không thỏa đáng. Bộ có chương trình tích hợp các môn với nhau, tôi thấy không có vấn đề gì để phải phản đối, nhưng vấn đề là tích hợp như thế nào, ghép môn nào với môn nào cho hợp lý.

Theo tôi, tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân không hợp lý vì nó hòa tan từng môn học làm cho việc giảng dạy rất khó khăn và giảm giá trị từng môn học. Quan trọng hơn, chương trình học mà Bộ đưa ra là làm theo chương trình học tự chọn, theo mô hình của Mỹ nhưng không đến nơi, đến chốn. Chương trình tự chọn không phải cái gì cũng tự chọn hết và phải xác định môn nào bắt buộc, môn nào tự chọn và chọn như thế nào đều có nguyên tắc của nó. Những môn bắt buộc là những môn cơ bản, xây dựng nền tảng văn hóa cho người học, và môn Lịch sử là một trong 3 môn học cơ bản. Như chương trình GDPT ở Mỹ, Lịch sử bao giờ cũng là môn cơ bản bắt buộc, họ tích hợp môn Lịch sử và Giáo dục công dân thành môn bắt buộc theo tỷ lệ 3 Lịch sử, 1 Giáo dục công dân, cả hai tích hợp với nhau thành một môn bắt buộc. Do đó ở Mỹ có 3 môn bắt buộc là Toán, Quốc văn và Lịch sử kết hợp với Giáo dục công dân, vì vậy họ đào tạo được những công dân trong tương lai rất vững mạnh. Hướng cải cách GDPT của ta nên học theo mô hình này của Mỹ, nhưng chúng ta có tham khảo và chế biến theo kiểu của ta, cho nên vấn đề nảy sinh ở chỗ Bộ lại đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn.

Hiện nay, học sinh của ta rất sợ học Lịch sử, lý do bắt nguồn từ chương trình giáo dục Lịch sử sai trong nhà trường, khi biến môn Lịch sử thành môn học thuộc lòng. Đáng lẽ chúng ta phải xây dựng chương trình dạy sử cho tốt thì người dạy mới tốt được. Trong tình hình học sinh đang có tâm thế đó, mà lại cho Lịch sử là môn tự chọn thì khác gì giết chết môn Lịch sử trong nhà trường. Đáng lẽ ra chúng ta phải xác định đúng vai trò của môn học, có một chương trình tốt thì chúng ta mới dạy tốt và học tốt. Cho nên phải sửa đổi chương trình để giáo viên dạy tốt và học sinh ham thích học sử, đấy là con đường đúng của chương trình đổi mới này.

Theo ông, cần phải làm gì với chương trình dạy học Lịch sử hiện nay?

- Theo tôi, để đạt được kết quả tốt học môn Lịch sử nói riêng và những môn học khác nói chung, cần phải phát triển chương trình môn học dựa trên mối quan hệ tương tác của 4 yếu tố cơ bản trong quá trình giáo dục là: Mục tiêu; Nội dung chuyên môn; Phương pháp - tổ chức và Đánh giá. Các yếu tố cơ bản này có quan hệ tương tác với nhau để hợp thành một hệ thống, nên việc phát triển chương trình học phải được tiến hành đồng bộ với cả 4 yếu tố đó.

Xin cảm ơn ông!