Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lẽ bó tay với Uber, Grab?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giờ cao điểm và những ngày lễ, Tết, giá cước của các ứng dụng Uber, Grab tăng cao, gấp 2, gấp 3 lần so với ngày thường. Câu hỏi được nhiều khách hàng đặt ra, liệu có công cụ quản lý, áp giá trần và yêu cầu DN phải kê khai giá cho dịch vụ này không?

Chóng mặt vì giá
Những ngày sát Tết Mậu Tuất, chị Phan Thị Hường (Đống Đa - Hà Nội) đã liên tục gặp phải cảnh giá tăng gấp 2, gấp 3 lần so với cước thông thường khi đặt xe qua ứng dụng Grab. “Có hôm, tôi đi từ Huỳnh Thúc Kháng lên Quán Sứ hết hơn 170.000 đồng. Trong khi đó, giá cước taxi thông thường của quãng đường đó chỉ hết tầm khoảng 60.000 đồng”- chị Hường cho hay.
Giá cước Uber, Grab không những cao vào giờ cao điểm và dịp lễ, Tết mà còn “nhảy cóc” từng phút, thậm chí từng giây. Chỉ sau 5 phút, giá các dịch vụ của ứng dụng Uber, Grab đã tăng giá lên hàng chục nghìn đồng. Thậm chí, dịp Tết hoặc giờ cao điểm, khách hàng rất khó gọi xe hoặc phải dài cổ chờ xe thời gian rất lâu. Vì thế, nhiều khách hàng đã lựa chọn phương tiện khác.
 Giá dịch vụ Uber, Grab trong những ngày Tết tăng giá đột biến.  Ảnh: Trần Dũng.
Bộ Công an đề nghị không kéo dài thời gian thí điểm Uber, Grab
Vấn đề Bộ Công an quan tâm đầu tiên là cần kiểm soát số lượng, chất lượng xe và lái xe tham gia thí điểm. Bởi theo đề án, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản, chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng xe và lái xe. Thứ hai, các phương tiện tham gia thí điểm tuy đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, nhưng việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm còn hạn chế. Việc xử phạt các xe chạy dịch vụ Uber, Grab gặp nhiều khó khăn do lực lượng chức năng khó nhận biết những xe này và ngành GTVT chưa chủ động trong trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm, mẫu phù hiệu và số xe tham gia của từng đơn vị được cấp; chưa có biện pháp để cơ quan chức năng quản lý được toàn bộ phần mềm mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm.
Về nguyên nhân giá cước cao dịp Tết, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc bộ phận Grab Bike - Grab Việt Nam Nguyễn Trung Thành cho hay, dịp Tết, Grab Việt Nam áp dụng phụ phí từ ngày 11 - 20/2 và đã thông báo rộng rãi đến khách hàng cũng như đối tác tài xế GrabBike trước thời điểm áp dụng. “Ngoài ra, dịch vụ GrabBike áp dụng biểu giá linh động tùy vào khu vực và thời điểm trong ngày nhằm đảm bảo trải nghiệm di chuyển tốt nhất cho cả đối tác tài xế lẫn khách hàng thông qua ứng dụng Grab. Giá cước của dịch vụ Grab Bike được hiển thị rõ ngay trên ứng dụng Grab và không thay đổi trong suốt chuyến đi”- ông Thành nhấn mạnh.
Thừa nhận ưu điểm của ứng dụng Grab là có hiển thị cụ thể giá cước của từng dịch vụ như Gab Bike, Grab Car, Grab Taxi… để khách hàng có thể so sánh và lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất với túi tiền và nhu cầu di chuyển của mình. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho hay, một ứng dụng được pháp luật cho phép nhưng lại tăng giá chóng mặt khi nhu cầu cao, vậy “có cơ quan quản lý nào giám sát và xử lý việc này không? "Quy định pháp luật ra sao mà Grab, Uber có thể tăng giá vô tội vạ như vậy?” - chị Thùy Dương, một khách hàng nêu ý kiến.
Lỗ hổng pháp lý?
Trước việc các ứng dụng Grab, Uber tăng giá mạnh dịp lễ, Tết và vào các giờ cao điểm, câu hỏi đặt ra, liệu có công cụ quản lý giá, áp giá trần và yêu cầu DN phải kê khai giá cho dịch vụ này không?
Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong cho rằng, các văn bản hiện hành trong lĩnh vực vận tải hành khách, không có quy định trực tiếp việc vận chuyển hành khách bằng các loại hình taxi công nghệ như Uber hay Grab. Đây là một lỗ hổng rất lớn trong các văn bản pháp quy hiện nay, và có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng loạn giá như vừa qua. Trong lĩnh vực quản lý về giá cả dịch vụ, các loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô không thuộc diện phải đăng ký giá theo Luật Giá.
Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong: Hiện nay, chúng ta mới chỉ nhìn nhận Uber, Grab là loại hình vận tải theo hợp đồng. Hợp đồng giữa tài xế và hành khác được coi là hợp đồng dân sự và quá trình xác lập hợp đồng được thực hiện trên ứng dụng điện thoại di động và pháp luật tôn trọng sự tự nguyện, tự do ý chí trong việc xác lập này. Vì thế cần sớm luật hóa để tạo công cụ quản lý những loại hình vận tải trên.
Cụ thể, hiện tại, hoạt động vận tải hành khách được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, trong đó, các loại hình vận tải hành khách gồm vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi được quy định khá chặt chẽ. Trong đó đưa ra các yêu cầu về niêm yết thông tin, niêm yết giá dịch vụ. Tuy nhiên, đối với loại hình xe “taxi công nghệ” như Uber, Grab thì chưa có quy định một cách cụ thể. “Việc hành khách bất đắc dĩ chấp nhận đi xe Uber hay Grab với giá cao nhưng nếu trong đó không tồn tại yếu tố ép buộc hay lừa dối thì pháp luật phải tôn trọng. Chính vì thế, mặc dù dư luận rất bất bình về sự tăng giá đột biến của Uber hay Grab trong thời gian cao điểm, vào dịp lễ, Tết, về mặt luật pháp như vậy không bị coi là vi phạm”- ông Phong cho hay.
Tương tự, theo một cán bộ Ban giá - Sở Tài chính Hà Nội, Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chỉ có taxi tuyến cố định là phải kê khai giá. Với các ứng dụng như Uber, Grab thì vẫn đang tranh luận và cơ quan quản lý đang phối hợp để tìm hướng quản lý tốt nhất.