Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên đề xuất 2 phương án tăng lương hưu

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến về đề xuất 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng. TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện khoa học BHXH - BHXH Việt Nam cho rằng, Bộ LĐTB&XH không nên đưa ra 2 phương án này mà điều chỉnh theo hướng khác.

 TS Phạm Đình Thành
Ngày 1/7/2021 xem xét tăng lương hưu là khả thi
Thưa ông, với 2 phương án được Bộ LĐTB&XH đề xuất, ông nghiêng về phương án nào?

- Theo chúng tôi, Bộ LĐTB&XH không nên đưa ra 2 phương án đề xuất ngày 1/7/2021 điều chỉnh tăng lương hưu là 10%, còn nếu để lùi lại đến thời điểm 1/1/2022 tăng 15% mà nên theo những quy ước thông thường đã thực hiện từ nhiều năm nay; cụ thể, đến thời điểm 1/7 hằng năm thì xem xét điều chỉnh lương hưu.

Năm 2020, cả nước chung tay chống đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị đình trệ; chia sẻ với những khó khăn chung của cả nước, mọi người đều không đề cập đến tăng lương hưu. Sang năm 2021, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế đất nước từng bước đi vào ổn định và phát triển theo mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 6,6%, việc xem xét tăng lương hưu vào thời điểm 1/7/2021 theo thông lệ là khả thi.

Hơn nữa, lương hưu được coi là nguồn sống chủ yếu của đại đa số người nghỉ hưu và họ vẫn mong chờ đến ngày tăng lương hưu, chỉ loại trừ một bộ phận nhỏ người nghỉ hưu sống bằng nguồn tài sản riêng hoặc dựa vào con cái. Người nghỉ hưu luôn có kế hoạch chi tiêu hằng tháng theo phương châm “nhiều lo, ít đủ”. Khi đó, lương hưu không phải là "của để dành” để chờ đến 1/1/2022 được tăng lên 15%, và kể cả đề xuất chờ đến 1/7/2022 được tăng lên 20% (giả định) cũng không có ý nghĩa gì đối với người hưởng lương hưu. Vì vậy, không nên đưa ra phương án 2 như trên để lựa chọn, làm mất ý nghĩa bản chất của lương hưu.

Vậy mức điều chỉnh tăng lương hưu là bao nhiêu phần trăm thì phù hợp, thưa ông?

- Theo kết quả nghiên cứu về điều chỉnh lương hưu giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2017 cho thấy: Mức điều chỉnh tăng lương hưu bình quân hằng năm là 11,06%/năm. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân là 6,61%/năm; mức điều chỉnh tiền lương cơ sở bình quân là 8,33%/năm và tỷ lệ lãi suất đầu tư bình quân của quỹ BHXH là 7,85%/năm. Như vậy, mức điều chỉnh lương hưu hằng năm luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, cao hơn mức tăng lương cơ sở và cao hơn cả lãi suất đầu tư của quỹ BHXH. Điều đó cho thấy vai trò điều tiết quan trọng của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách xã hội, nhất là lương hưu, đảm bảo mức sống của người nghỉ hưu với mức sống chung của toàn xã hội. Vì vậy, mức điều chỉnh tăng lương hưu 10% vào thời điểm 1/7/2021, sau 2 năm không phải là một ngoại lệ.
Người dân nhận lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Trần Thảo
Chia ra các nhóm có mức lương khác nhau để điều chỉnh

Có những ý kiến đề xuất, trong tình hình hiện nay đang khó khăn, chỉ nên tăng lương hưu và trợ cấp cho những người có mức hưởng thấp; chưa nên tăng đối với người có lương hưu cao. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Vấn đề là ở chỗ việc điều chỉnh lương hưu như thế nào cho đạt được mục tiêu đề ra. Tăng lương hưu vừa đảm bảo sự công bằng về chính sách, lại vừa khắc phục bất cập về sự chênh lệch mức lương hưu quá lớn hiện nay (mức thấp nhất là 1 triệu 490 nghìn đồng/tháng và mức cao nhất hơn 100 triệu đồng/tháng). Khi thực hiện cùng một mức tăng theo tỷ lệ chung cho mọi người, dễ tính toán, phân chia nhưng lại là một bất cập đã diễn ra nhiều năm nay.

Tăng lương hưu nhằm bảo toàn giá trị lương hưu trước biến động giá sinh hoạt và phân phối lại thành quả từ phát triển kinh tế của thế hệ đương thời. Vì thế, vấn đề đặt ra, có phải ai có mức lương hưu cao thì được chia sẻ thành quả phát triển kinh tế cao hơn so với người có mức lương hưu thấp hơn?

Vậy phải làm sao để đảm bảo công bằng hơn cho người nghỉ hưu?

- Theo tôi, không nên điều chỉnh chung cho mọi người nghỉ hưu cùng một tỷ lệ mà nên chia ra theo các nhóm có mức tiền lương khác nhau với tỷ lệ điều chỉnh theo thứ tự tỷ lệ giảm dần đối với nhóm có mức lương hưu cao hơn. Hoặc, có thể xác định mức tiền lương điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối và cũng giảm dần với nhóm có mức lương cao hơn. Hoặc, mọi người hưởng lương hưu đều có sự điều chỉnh bù trượt giá cùng một tỷ lệ, còn phần phân phối lại thành quả phát triển kinh tế cần có sự chia sẻ giữa những người hưởng lương hưu.

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, vì vậy công bằng trong điều chỉnh lương hưu, một mặt vừa phải tuân thủ nguyên tắc tương quan giữa đóng – hưởng, người đóng BHXH ở mức lương cao, với thời gian dài trước đó sẽ được hưởng lương hưu cao, mặt khác phải khắc phục được những bất cập về điều chỉnh lương hưu theo tỷ lệ chung như hiện nay. Đây là vấn đề trọng tâm mà Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu đưa ra nhiều phương án điều chỉnh lương hưu để lựa chọn cho hợp lý hơn đối với người nghỉ hưu.

Xin cảm ơn ông!