KTĐT - Chính phủ không quản lý được. Gia đình không giáo dục được. Cá nhân không tự ý thức được. Vì thế cho nên mới có những biện pháp hạn chế này.
Những quy định mới nhất về thẻ tín dụng ở Mỹ và Brunei không chỉ phản ánh hậu quả và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà còn phần nào cả sự bất lực của chính quyền trong việc quản lý và kiểm soát việc sử dụng thể tín dụng.
Tại Mỹ, những ai dưới 21 tuổi không còn được cấp và sử dụng thẻ tín dụng không hạn chế như từ trước tới nay. Tại Brunei, công dân giờ chỉ còn được phép sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng mà họ vẫn thường xuyên giao dịch. Mục tiêu của cả Chính phủ Mỹ lẫn Brunei trong câu chuyện này là tình trạng sử dụng tiền quá mức có thể sử dụng trong thẻ tín dụng, khiến người sử dụng thẻ trở thành kẻ vay nợ và phải trả lãi.
Đất nước Brunei chỉ có 390.000 dân, rất giàu về dầu lửa và khí đốt. Vậy mà công dân ở xứ này vạy nợ tổng cộng 3,65 tỷ USD, tức là khoảng 9.000 USD theo đầu người, trong khi đó GDP tính theo đầu người trên dưới 18.000 USD. Tại Mỹ cũng vậy, tình trạng người dân chi tiêu quá mức thu nhập tiếp tục tăng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Chính phủ không quản lý được. Gia đình không giáo dục được. Cá nhân không tự ý thức được. Vì thế cho nên mới có những biện pháp hạn chế này. Đứng về phương diện giáo dục ý thức cho công dân về trách nhiệm đối với cuộc đời của họ trong tương lai và phòng ngừa nguy cơ suốt đời họ không thoát được ra khỏi tình trạng vay nợ, thì những biện pháp hành chính kiểu như vậy rất có ích. Nhưng nếu như so sánh với chính sách của thời kỳ trước đó thì biện pháp chính sách nói trên nào có khác gì không quản lý được và kiểm soát nổi thì phải cấm bằng biện pháp hành chính.