Nội thành Bangkok đến giờ vẫn chưa bị ngập, bởi giới chức thành phố quyết định phân lũ tới những khu vực khác bên ngoài thủ đô, trong một nỗ lực ngăn chặn sông Chao Phraya không bị vỡ đê. Ngoài ra, bà Yingluck cũng yêu cầu mở toàn bộ hệ thống máy bơm trong thành phố và tiến hành vớt rác trên các kênh, lạch ở thủ đô. Theo thống kê, hệ thống thoát nước ở Bangkok có 200 cửa xả lũ, 158 trạm bơm, 7 đường cống ngầm và 2.604 km kênh, lạch.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Bangkok đã phải đưa ra quyết định khó khăn khi cho tháo lũ về các vùng ngoại thành thủ đô để cứu khu vực nội đô. Quyết định trên được đưa ra sau khi lượng nước trên sông Chao Chao Phraya dâng cao kỷ lục và có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo dự báo, cuối tuần này mới là thời điểm nguy hiểm nhất đối với thủ đô Bangkok khi sẽ có một lượng nước lớn từ miền Trung đổ về, đe dọa cuốn phăng tuyến bờ bao ngăn lũ mới được dựng lên và chất thêm gánh nặng cho những khu vực ngoại vi vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ.
Trước đó, Thủ tướng Yingluck cho biết việc ngăn không cho nước lũ tràn vào thủ đô chỉ là giải pháp tạm thời và rất có thể Chính phủ sẽ buộc phải "hy sinh" một phần của Bangkok để mở đường cho nước lũ tháo ra biển. Bà Yingluck đã yêu cầu người dân Thái Lan nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác với các nhà chức trách nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Theo thống kê, mưa lũ bất thường kéo dài 3 tháng qua ở Thái Lan đã làm 320 người thiệt mạng, gần 9 triệu người bị ảnh hưởng, chủ yếu là người dân ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. hiệt hại ban đầu ước tính lên tới 3 tỷ đến 5 tỷ USD.