Không thể coi nhẹ

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm nay, hàng trăm héc ta đất bờ sông, hàng ngàn nhà ở kiên cố và không kiên cố cùng biết bao ao vườn của nông dân cả nước đã sạt lở mất tăm dưới lòng sông mà nguyên nhân là do “cát tặc”.

Cát tặc - như nhiều người vẫn gọi là giặc, giặc cát, không ai xa lạ, chính là những ông chủ thuê nhân công, mang tàu thuyền và máy bơm hút cát dưới lòng sông đem bán cho những công trình xây dựng trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài.
Thậm chí, họ còn liên kết với các cơ quan chức năng lấy cớ nạo vét luồng lạch đường thủy nội địa, đấu thầu khai thác hàng chục cây số, ở một con sông nổi tiếng có cát tốt và nếu cần, khai thác cả cát mặn ở các cửa sông, bãi biển. Chính vì lợi nhuận khổng lồ, trong khi công tác quản lý lại mập mờ, lơi lỏng, không loại trừ lợi ích nhóm, tham nhũng… tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép ngày càng nhức nhối.
Chỉ tính con sông Hồng và các con sông chi lưu, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngày càng trắng trợn, ngang nhiên. Thí dụ, điển hình như tỉnh Hải Dương. Trong một hội nghị toàn quốc bàn về chống khai thác cát trái phép, sai phép mới đây, một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, cát tặc dùng toàn tàu công suất lớn hút trong vài giờ là được hàng trăm khối cát. Họ dùng tàu không số, người không giấy tờ, sẵn sàng đáp trả lực lượng chức năng… Các đối tượng khai thác từ 23 giờ đến 3 giờ. Khi cơ quan chức năng phát hiện, họ sẵn sàng chống đối, trong khi chế tài xử lý hành vi này lại chưa đủ. “Chúng tôi bắt một vụ. Sau đó, họ đánh chìm tàu. Cuối cùng, Chủ tịch xã bị xử lý kỷ luật. Xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng cũng rất khó vì khi bắt được, họ đổ cát xuống sông, tự đánh chìm tàu sau đó họ kiện ra tòa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho hay.
 Còn tại Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông theo điều tra của Sở TN&MT (số liệu được công bố trên báo chí giữa tháng 6/2016), trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu đoạn qua Hà Nội có 18 khu vực khai thác cát, trong đó có tới 13 khu vực không phép, sai phép. Hành động của các chủ khai thác cát ngày càng ngang nhiên, bất chấp pháp luật. Như ngày 3/11/2016, lực lượng công an đã bắt quả tang 15 phương tiện đang khai thác cát trái phép, ngay trong đêm đó và những ngày sau, hoạt động của cát tặc vẫn diễn ra như thường.
Thống kê cũng cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, riêng tuyến đê hữu Hồng có 112 bãi (chiếm 56%), tập trung chủ yếu ở các quận Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Ba Vì, Phú Xuyên, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây... Chỉ có 17/200 bãi được cấp phép, chiếm 8,5%. Gần đây, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện, thị xã: Đông Anh, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Long Biên, Hoàng Mai, phát hiện có 19 bãi (chiếm hơn một nửa số bãi được kiểm tra) chứa khoảng 161.000m3 cát đen không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều hợp đồng cho thuê đất trái phép bị hủy, nhưng một số tổ chức, cá nhân ở các xã thuộc huyện Thường Tín, Phúc Thọ vẫn sử dụng đất làm bãi chứa. Các DN, cá nhân bất chấp quy định, vẫn chất cát sỏi cao như núi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của kè, bờ sông. Còn theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép là nguyên nhân chính gây ra những vụ sụt, sạt bờ, bãi sông trong thời gian qua.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu có nhà ở, nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, vì vậy việc khai thác cát dưới sông càng thu nhiều lợi nhuận, thu hút nhiều nhà khai thác. Cùng với tình trạng trên, nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng, công nghiệp của các nước láng giềng tăng lên. Cát Việt Nam rẻ, chất lượng tốt đang trở thành mặt hàng xuất khẩu hấp dẫn. Đã đến lúc không còn coi cát là thứ tài nguyên rẻ mạt nữa. Hà Nội có 148km sông Hồng và đê, nên đã đến lúc phải tính cho kỹ việc quản lý, khai thác tài nguyên này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần