Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể đủng đỉnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành phần kinh tế, từ bộ, ngành chức năng đến doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực nhiều,...

Kinhtedothi - Các thành phần kinh tế, từ bộ, ngành chức năng đến doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực nhiều, song đến thời điểm này, thực tế là Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) của nhiều nước ngay trong khu vực châu Á. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn mà trước hết phải từ các cơ quan Nhà nước, trong đó không chỉ có sự “đơn phương độc mã” của ngành thuế hay hải quan...

Báo động nhiều chỉ số

Tại Hội thảo “Cải thiện MTKD và nâng cao năng lực cạnh tranh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) và Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) tổ chức ngày 4/6, thứ hạng hiện nay của Việt Nam và khối ASEAN6 về MTKD (xếp hạng Doing business) được công bố có nhiều thông tin đáng báo động. Điều tra năm 2013 của CIEM và USAID cho thấy, trong số 11 chỉ số Doing business, dù có những lĩnh vực đã được cải thiện như cấp phép xây dựng, thì ở hầu hết các chỉ số, Việt Nam vẫn thua kém nhiều so với các nước ASEAN6, điển hình là chỉ số nộp thuế, giao dịch thương mại qua biên giới...
Các doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở KH&ĐT Hà Nội.      Ảnh: Linh Tâm
Các doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận định, chỉ cần Việt Nam đạt được mức trung bình của ASEAN6 đã là một cố gắng lớn và MTKD sẽ có cải thiện vượt bậc. Xét riêng trong lĩnh vực thuế, điều tra cho thấy, trung bình mỗi năm, một DN Việt Nam phải tiến hành khai/nộp thuế tới 32 lần và mất tới 872 giờ/năm để làm việc này trong khi mức trung bình tương ứng tại các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tương ứng là 25 lần và 208 giờ, còn với 30 nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là 12 lần và 175 giờ. Ông Phan Vinh Quang - đại diện USAID tại Việt Nam  phân tích, DN phải dành 320 giờ cho việc nộp thuế VAT, bởi ngành thuế đặt ra yêu cầu quá chi tiết trong hồ sơ khai hàng tháng và cả năm; 217 giờ cho nộp thuế thu nhập DN; 335 giờ cho các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động (mức cao nhất trong khu vực). Ngoài ra, thời gian làm thủ tục nộp thuế ở Việt Nam quá dài: Mất 40 ngày để cơ quan thuế xử lý trong trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau, và mất 6 ngày trong trường hợp ngược lại… 

Trong một lĩnh vực quan trọng khác là hải quan, chỉ tính riêng trong việc xuất khẩu, DN Việt Nam phải mất 21 ngày để hoàn thành thủ tục, trong khi ở Malaysia hay các nước OECD chỉ 11 ngày. Về chi phí để hoàn thành thủ tục cho một container, DN Việt Nam tốn đến 610 USD, trong khi ở Malaysia chỉ là 450 USD. 

Cơ quan quản lý phải tiên phong

Từ thực tế đáng lo ngại về chất lượng MTKD ở Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần ngay lập tức áp đặt mục tiêu cải thiện “Doing business” xuất phát từ phía “cầu”, tức là DN - đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, chứ không phải xuất phát từ kiến nghị của các bộ, ngành. Tuy nhiên, quá trình này vẫn phải giao cho các cơ quan Nhà nước liên quan chịu trách nhiệm thực hiện, nếu không đạt được thì phải giải trình và chịu trách nhiệm theo quy trình chuẩn của từng chỉ số (làm gì, đạt được gì, chưa đạt được gì, tại sao). Theo ông Cung, tất cả các bộ, ngành có liên quan đều phải học, hiểu và áp dụng một cách cụ thể phương pháp luận, cách tính của Doing business về từng chỉ số.
Cán bộ Chi cục Thuế quận Cầu Giấy hướng dẫn doanh nghiệp kê khai hóa đơn.     Ảnh: Ngọc Chiến
Cán bộ Chi cục Thuế quận Cầu Giấy hướng dẫn doanh nghiệp kê khai hóa đơn. Ảnh: Ngọc Chiến
CIEM cũng đề xuất: Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm chỉ số Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư; Bộ Tài chính phải giảm được 7 ngày so với hiện nay về thời gian hoàn thành thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, thời gian nộp thuế của DN phải giảm xuống bằng mức trung bình của ASEAN6 là 171 giờ/năm; Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm thời gian tiếp cận điện xuống còn tối đa 70 ngày (hiện là 115 ngày, trong khi trung bình ASEAN6 là 50,3 ngày); Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giảm thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết tranh chấp hợp đồng; giảm thời gian giải quyết thủ tục phá sản xuống còn 30 tháng (hiện là 60 tháng)… 

Ông Fernado Bertoli - Giám đốc Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (thuộc USAID) khuyến cáo, muốn giảm được thời gian làm các loại thủ tục hành chính cho DN, quan trọng là phải giảm được số lượng các loại chứng từ không cần thiết, số bước thực hiện... “Chúng tôi sẵn sàng mời các chuyên gia cùng Việt Nam trong quá trình cải cách này, hướng dẫn một phương pháp luận rõ ràng, từ đó các ngành liên quan tính toán cụ thể xem thực tế có thể giảm bao nhiêu thủ tục, giảm bao nhiêu giờ... Sau đó, nên gửi báo cáo cho cộng đồng DN, tổ chức hội thảo để trao đổi với DN xem như vậy đã sát thực chưa. Kinh nghiệm cải cách thành công ở các nước là trước hết phải có sự cam kết mạnh mẽ từ phía các cơ quan Chính phủ” - ông Fernado Bertoli chia sẻ.

 
"Thực tế là trong số 872 giờ mà DN phải dành cho việc nộp thuế trong một năm thì hơn 1/3  là thời gian để làm những việc liên quan đến đóng bảo hiểm. Do đó, cần tách bạch xem thủ tục thuế chiếm bao nhiêu ngày, hải quan bao nhiêu ngày, bảo hiểm bao nhiêu ngày... để phân rõ trách nhiệm nhằm tìm cách rút ngắn thời gian cho DN." - Bà Nguyễn Thị Cúc -Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam