Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: 20 năm, chưa có công trình công cộng nào hoạt động

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ưu tiên ban đầu khi quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm là các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm TP hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái,… Tuy nhiên, sau hơn 20 năm nơi đây chưa có bất kỳ một công trình công cộng nào được hình thành để phục vụ cộng đồng.

Theo đó, KĐTM Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại của TP Hồ Chí Minh, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP, của khu vực và có vị trí quốc tế.
Sau hơn 20 năm quy hoạch phần lớn các công trình công cộng ở Thủ Thiêm chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Huy Chương
Việc phát triển KĐTM Thủ Thiêm không nhằm mục tiêu kinh doanh bất động sản và đạt được lợi nhuận từ việc khai thác đất; thay vào đó, phần lớn diện tích đất được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm TP hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái,… Với diện tích đất quy hoạch trung tâm KĐTM Thủ Thiêm là 657ha, phần diện tích đất khai thác thương mại chỉ chiếm khoảng 194,3396ha (tỷ lệ 29,58%).
Khu Trung tâm ĐTM Thủ Thiêm là một công trình chiến lược, mở ra cơ hội để phát triển khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh; góp phần phát triển mọi mặt và nâng cấp TP Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị quốc tế hiện đại của khu vực trong thế kỷ XXI, tạo bước đột phá đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện TP trong giai đoạn mới. Việc hình thành KĐTM Thủ Thiêm góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đề ra.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo vào chiều 14/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng: Trên thực tế hiện nay các doanh nghiệp đầu tư lại ưu tiên cho việc đầu tư có lợi cho họ nhiều hơn, họ vừa phát triển xây dựng hệ thống đường sá và các công trình xây dựng. Còn việc xây dựng các công trình công cộng đến nay TP đang tập trrung các nguồn lực để làm nhanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc Họp báo về tiến độ, kết quả thực hiện Kết luận Thanh tra Chính phủ tại KĐTM Thủ Thiêm.

Đơn cử là mục tiêu đến lễ kỷ nhiệm 30/4/2020 kỷ niệm 45 năm giải phóng miềm Nam thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh sẽ có quảng trường để duyệt binh, đến nay đã được Bộ Chính trị đồng ý. Tuy nhiên đến nay, TP Hồ Chí Minh chưa sắp xếp được nguồn ngân sách xây dựng các công trình này, hoặc nếu như có tiền rồi cũng không hề dễ dàng trển khai được các dự án này được.
"Chỉ cần 1, 2 năm doanh nghiệp đã xây dựng các công trình nhà cửa lên dày đặc. Còn các công trình công cộng 5, 10 năm vẫn chưa thấy gì vì rất khó khăn trong việc sắp xếp nguồn vốn cũng như điều chỉnh thiết kế xây dựng" - ông Võ Văn Hoan thông tin thêm.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, việc sắp xếp quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng đã làm xong, tuy nhiên vấn đề thi tuyển thiết kế kiến trúc các công trình vẫn chưa hoàn thành. Còn việc xây dựng quảng trường đến nay phải chờ xây dựng xong các tuyến đường, năm 2014 đã được Chính phủ phê duyệt xong số vốn xây dựng, nhưng trong quá trình thuê thiết kế tư vấn số tiền đội lên quá lớn nên vẫn chưa thực hiện được.

Đến nay, TP đã chi bồi thường, hỗ trợ được 14.353/14.357 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,97%), diện tích đã thu hồi 715,97/719,92ha (đạt tỷ lệ 99,45%), với số tiền bồi thường, hỗ  trợ là 17.455 tỷ đồng; trong đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số khoản đã được TP vận dụng hỗ trợ thêm ngoài quy định theo hướng có lợi cho người dân khi nhà nước thu hồi đất. So sánh mức hỗ trợ, đền bù tại cùng thời điểm thì mức hỗ trợ, đền bù của KĐTM Thủ Thiêm có giá trị lớn hơn các dự án khác.