Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải: Tiếc một di tích cấp quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sâu trong ngõ phố Tây Sơn ngày nay, ít ai biết có một khu lăng mộ của hai cha con họ Hoàng đã từng tồn tại hơn một thế kỷ.

Đến giờ, khu lăng mộ vẫn còn lại vẻ kiến trúc độc đáo, nhưng đã không còn vẹn nguyên là một di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Khu lăng mộ này là của 2 cha con ông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu. Ông Hoàng Cao Khải (1850 - 1933) tên thật là Hoàng Văn Khải, là nhà văn, nhà sử học, là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Ông về hưu ở ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội). Để chuẩn bị cho hậu sự của mình, ông đã mời thầy địa lý chọn thế đất đặt mộ.
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải.
Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải.
Khu lăng mộ được xây dựng năm 1933. Lăng Hoàng Cao Khải được thiết kế theo kiểu chữ đinh, dài 8m, cao 6m, toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng, chạm khắc tinh xảo. Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ cầu kỳ. Kiến trúc độc đáo của khu lăng mộ này được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng đặc trưng của thời Nguyễn. Đôi rồng đá chầu trước cửa lăng dù đã bị thời gian bào mòn, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghi của một tác phẩm nghệ thuật.

Phía bên phải khu lăng mộ của ông Hoàng Cao Khải là lăng mộ của con trai, tức Hoàng Trọng Phu. Ông Phu từng du học bên Pháp, có bằng kỹ sư, về Việt Nam, được nhà Nguyễn giao cho chức Tổng đốc Hà Đông thay cha. Ông Phu cũng xây dựng cho mình một ngôi mộ đá to hơn mộ cha, to nhất miền Bắc hồi đầu thế kỷ XX. Vợ của ông Phu cũng được chôn cất tại đây.

Khu lăng Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Theo người dân nơi đây, cách đây 30 năm, khu vực lăng mộ vẫn rậm rạp cây cối, ít người qua lại. Sau nhiều năm phát triển, dân tứ xứ kéo về dựng đất, làm nhà trên khu đất cũ, nhưng chẳng có ai quản lý này. Khu nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ của nhà họ Hoàng dần bị cắt xén, có mộ bị nhà xây đè lên, một số ngôi mộ nằm rải rác trong các khu dân cư. Cụ Nguyễn Văn Hùng, 80 tuổi, đã nhiều năm sống ở đó cho biết, ngôi mộ lớn của người con từng bị một gia đình do nợ nần chồng chất phải bán nhà rồi đến đó chiếm dụng làm chỗ ở. Sau này con cái họ lớn lên, chia ra làm 4 hộ gia đình, tiếp tục sống trong khu mộ bên cạnh những chiếc quách đá. Cách đây mấy năm, chính quyền đã tiến hành giải tỏa các hộ dân, có đền bù thỏa đáng, hỗ trợ họ mua nhà chung cư để ổn định cuộc sống. Có thời khu mộ của ông Hoàng Trọng Phu cũng từng có người ở hàng chục năm, khi đông nhất lên đến 3 hộ gia đình với 12 người. Nay khu mộ này được tận dụng làm nơi khai báo nhân khẩu của địa phương.

Vào bên trong lăng mộ của ông Hoàng Trọng Phu thấy có 2 phần mộ đá lớn. Ở giữa là nơi thờ tự, một bên là nơi đặt mộ phần và quan tài của ông Phu, bên kia là nơi chôn cất vợ ông. Phần lớn gian bên phải bị người dân chiếm, xây những bức tường gạch, biến thành phòng ở. Phần mộ bằng đá, chạm trổ rồng phượng vẫn còn dấu tích khi người ta xây bức tường nối hai cột đá, ngăn thành phòng riêng. Nhiều hộ dân còn xây bức tường bao quanh phần mộ, đổ bê tông phía bên trên làm thành giường ngủ…

Quả thật, nếu không “mắt thấy, tai nghe”, không ai có thể tưởng tượng được một thời đã có người sống trong khu mộ với những chiếc quan tài đá được đặt ngay trong phòng. Và khu lăng mộ từng được xếp hạng di tích quốc gia này giờ đã xuống cấp trầm trọng với ồn ào hàng quán, rác thải xung quanh. Rất nhiều nhà làm văn hóa cảm thấy tiếc nuối cho một di tích quốc gia nằm giữa lòng Hà Nội này.