Khủng hoảng bất động sản kìm hãm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khiến tăng trưởng GDP quý IV/2021 của Trung Quốc chạm mức thấp nhất hơn 1 năm.

Theo số liệu được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố ngày 17/1, tăng trưởng GDP trong quý IV/2021 của nước này đạt 4%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 8,1% so với năm ngoái, trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch Covid-19 và khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã kìm hãm động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Công trường xây dựng khu dân cư ở tỉnh Sơn Tây , phía bắc  Trung Quốc, của tập  đoàn bất động sản Evergrande. Ảnh: NYT
Công trường xây dựng khu dân cư ở tỉnh Sơn Tây , phía bắc  Trung Quốc, của tập  đoàn bất động sản Evergrande. Ảnh: NYT

Tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2021 của Trung Quốc vượt mức dự báo lần lượt là 3,3% và 7,9% được các nhà kinh tế của Nikkei Asia dự báo hồi tháng trước. Tuy nhiên, tăng trưởng trong quý cuối cùng năm ngoái đã giảm tốc so với mức 4,9% của quý trước đó. Số liệu trên cũng ghi nhận mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ quý 2/2020 - thời điểm chỉ đạt 3,2% do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc là tiêu dùng giảm chóng mặt trong tháng 12, khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch tại nhiều khu vực trên toàn quốc. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, doanh thu bán lẻ tháng 12/2021 - thước đo chi tiêu tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới - tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 3,9% so với tháng 11 do các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo bình quân 3,8% từ các chuyên gia của Bloomberg. Tính chung năm 2021, doanh thu bán lẻ của Trung Quốc tăng 12,5% so với năm trước.

Bên cạnh đó, các vụ vỡ nợ khổng lồ của một loạt nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là tập đoàn Evergrande, đã làm suy yếu niềm tin của người mua nhà cũng như các nhà đầu tư địa ốc tại Trung Quốc. Giá nhà ở tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng giảm mạnh trong những tháng cuối năm ngoái.

Trong một động thái mới nhất nhằm cứu tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế mất đà do đợt tái bùng phát dịch Covid-19, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 17/1 thông báo cắt giảm lãi suất chủ chốt lần đầu tiên sau gần 2 năm. Theo đó, lãi suất cho vay trung hạn 1 năm được PBOC hạ về 2,855 từ mức 2,95%, trong khi lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày giảm về 2,1% từ 2,2%. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hạ lãi suất cho vay trung hạn kể từ tháng 4/2020. Ngoài ra, PBOC còn bơm thêm thanh khoản bằng cách cung cấp 700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 110 tỷ USD) vốn vay trung hạn, vượt con số 500 tỷ Nhân dân tệ vốn đáo hạn; cộng thêm 100 tỷ (NDT) bơm thông qua nghiệp vụ mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày, vượt con số 10 tỷ NDT đáo hạn.

Theo dự báo của các nhà phân tích, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 vẫn còn u ám do dự báo nhu cầu toàn cầu vẫn phục hồi chậm, trong khi biến thể Omicron vẫn đang lây lan cả trong và ngoài quốc gia này. Đợt bùng dịch do biến chủng Omicron trong tháng 1, bao gồm ở thủ đô Bắc Kinh, được dự báo sẽ tiếp tục khiến người tiêu dùng Trung Quốc bi quan. Bên cạnh nỗi lo dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng trong ngành ngành bất động sản tại Trung Quốc - mà tâm điểm là vụ vỡ nợ của tập đoàn Evergrande – hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi đó, xuất khẩu, vốn là một trong số ít lĩnh vực vững mạnh trong năm 2021, cũng dự kiến sẽ chậm lại, trong khi chính phủ vẫn tiếp tục kiềm chế lượng khí thải công nghiệp.

“Tăng trưởng sẽ tiếp tục đương đầu với sức ép từ cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản,” - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Sian Fenner của Oxford Economics nói với hãng tin Bloomberg.