Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng hạ tầng mạng toàn cầu gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự cố hệ thống mạng toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Theo ước tính của các chuyên gia, sự cố kỹ thuật từ ngày 21/7 đã gây ra thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD từ doanh thu, chi phí vận hành và nhiều hệ lụy khác.

Sự cố kỹ thuật khiến nhiều sân bay rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ảnh: EPA
Sự cố kỹ thuật khiến nhiều sân bay rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ảnh: EPA

Ước tính có khoảng 8,5 triệu máy tính và laptop sử dụng hệ điều hành Windows trên toàn thế giới đã hiển thị màn hình xanh “chết chóc”.

Vấn đề sau đó được xác định là bắt nguồn từ công ty an ninh mạng CrowdStrike có trụ sở tại Texas, đã gặp lỗi nghiêm trọng trong bản cập nhật phần mềm hệ thống. 

Sự cố công nghệ này đã gây ảnh hưởng ở nhiều nơi trên thế giới, làm tê liệt hoạt động của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực bao gồm ngân hàng, siêu thị, bệnh viện, hãng hàng không và cơ quan truyền thông.

Một chuyên gia an ninh mạng Mỹ ước tính rằng các yêu cầu bồi thường có thể vượt qua 1 tỉ USD, Dự kiến con số thực sẽ còn cao hơn thế.

Theo ước tính của tổ chức doanh nghiệp Business NSW, thiệt hại riêng tại bang New South Wales là 200 triệu USD dựa trên con số được các doanh nghiệp công bố.

CrowdStrike vẫn chưa giải đáp các câu hỏi về phương án bồi thường cho khách hàng.

Giám đốc điều hành của CrowdStrike, ông George Kurtz, cho biết trong cuối tuần qua rằng công ty đang tập trung tất cả nỗ lực vào việc khắc phục các vấn đề, và ông tin rằng hầu hết khách hàng đều có thể thông cảm.

“Mục tiêu của tôi lúc này là đảm bảo mọi khách hàng đều có thể hoạt động trở lại,” ông Kurtz nói.

“Tôi nghĩ rằng nhiều khách hàng hiểu rằng đây là một môi trường phức tạp và việc đề phòng những kẻ có ý định xấu cần bản cập nhật mới này.”

Theo luật pháp Australia, công ty bắt buộc phải cung cấp bồi thường trong trường hợp có sự cố lớn với một trong các sản phẩm của họ. Trường hợp này chắc chắn đủ điều kiện để CrowdStrike phải đền bù thiệt hại.

Sự cố này đã khiến các hãng hàng không phải hủy hơn 5.000 chuyến bay trên toàn thế giới, dẫn đến các tổn thất kinh doanh cùng nhiều hạng mục chi phí như chỗ ở và bồi thường cho khách hàng bị mắc kẹt.

Ước tính có hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ yêu cầu bồi thường.

Công ty CrowdStrike đang gặp khó khăn và chuẩn bị đối mặt với hàng loạt yêu cầu bồi thường, theo dự đoán của các chuyên gia, và điều này có thể dẫn đến vô số vụ kiện tụng nếu không đạt được thống nhất.

“Nếu bạn là luật sư của CrowdStrike, chắc chắn viễn cảnh trước mắt sẽ không mấy vui vẻ gì” chuyên gia phân tích công nghệ của Wedbush Securities, Dan Ives, nói.

Anderson Economic Group, một công ty nghiên cứu của Mỹ chuyên tính toán tổn thất trong các cuộc gián đoạn kinh doanh, đã ước tính rằng hóa đơn mà CrowdStrike có thể phải chịu đã vượt quá 1 tỷ đô la Mỹ.

Giám đốc điều hành của công ty, Patrick Anderson, nói với báo CNN: “Sự cố này ảnh hưởng đến rất nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp theo nhiều cách, sẽ không dễ để ước tính chi phí.”

Các hãng hàng không được dự đoán là khách hàng bồi thường tốn kém nhất.

Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho Giám đốc điều hành CrowdStrike George Kurtz yêu cầu ông cung cấp thông tin về sự cố công nghệ toàn cầu.

"Mặc dù đánh giá cao phản ứng và phối hợp của CrowdStrike với các bên liên quan, chúng tôi không thể bỏ qua quy mô của sự cố này, một số người cho rằng đây là sự cố CNTT lớn nhất trong lịch sử,” Ủy ban quốc hội viết trong thư gửi ông Kurtz vào thứ Hai. 

"CrowdStrike đang tích cực liên lạc với các Ủy ban Quốc hội có liên quan. Các cuộc họp thông báo và các mốc thời gian tham gia khác sẽ được tiết lộ,” một phát ngôn viên của công ty cho biết.

Bức thư kêu gọi Giám đốc điều hành lên lịch điều trần với một tiểu ban của hội đồng - Tiểu ban về An ninh mạng và Bảo vệ Cơ sở hạ tầng - trước ngày 24/7.