Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng ngân sách đe dọa tham vọng vươn tầm của nước Đức

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà sản xuất chip bán dẫn nước ngoài tại Đức có thể sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Khủng hoảng ngân sách Đức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch trợ cấp hàng tỷ euro của chính phủ nước này cho các nhà sản xuất chip, cản trở tham vọng khẳng định vị thế chip bán dẫn trên toàn cầu.

Gần đây, Chính phủ Đức cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty chip nước ngoài đầu tư vào nước này. Với việc đầu tư khoảng 30 tỷ Euro (32,5 tỷ USD) cho hai nhà máy lớn nhất tại thị trấn Magdeburg phía Đông nước Đức, Intel giờ đây có thể sẽ nhận thêm 9,9 tỷ euro cho các dự án của mình. Đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất mà Chính phủ Đức bỏ ra kể từ khi thế chiến thứ 2 kết thúc.

Cam kết hỗ trợ của chính phủ Đức giành cho các nhà sản xuất chip bán dẫn có thể không thực hiện được? Ảnh: The Financial Times
Cam kết hỗ trợ của chính phủ Đức giành cho các nhà sản xuất chip bán dẫn có thể không thực hiện được? Ảnh: The Financial Times

Tuy nhiên, sau phán quyết gây chấn động của tòa án Liên bang Đức vào tháng trước nhằm bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Olaf Scholz về việc chuyển khoản ngân sách chưa giải ngân gần 60 tỷ Euro (65 tỷ USD), vốn trước đó nhằm hỗ trợ đối phó đại dịch Covid-19, sang dành cho Quỹ chống Biến đổi Khí hậu, mọi kế hoạch của chính phủ nước này đều rơi vào hỗn loạn, trong đó có các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất chip.

Theo các chính trị gia, chuyên gia trong ngành và lãnh đạo doanh nghiệp, các dự án chip bán dẫn có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng ngân sách, vốn đang ảnh hưởng lớn đến uy tín của nền kinh tế số một châu Âu.

Sven Sshulze, quan chức kinh tế của bang Saxony-Anhalt, cho biết: “Đây thực sự là mối đe dọa với nước Đức khi các nhà đầu tư mất dần niềm tin vào một thị trường đầy rủi ro”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Đây thực sự là một đòn giáng nặng nề vào nước Đức, điều mà chúng tôi chưa từng thấy trong thời hậu chiến”.

Phần lớn các khoản trợ cấp cho Intel và các nhà sản xuất chip khác như TSMC,(Đài Loan - Trung Quốc) được cho là đến từ Quỹ chống Biến đổi Khí hậu, một nguồn tài chính ngoài ngân sách dùng để hỗ trợ cho quá trình hiện đại hóa công nghiệp của Đức, nhưng đã bị bác bởi phán quyết của Tòa án Liên bang.

Phán quyết trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nhiều công ty sản xuất chip, bao gồm cả các tập đoàn lớn, có thể sẽ không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Đức hoặc chỉ nhận được nguồn trợ cấp hạn chế.

Không những vậy, cuộc khủng hoảng ngân sách có thể đánh thẳng vào  một trong những ưu tiên quan trọng nhất của Đức – kế hoạch vươn tầm trên thị trường chip toàn cầu. Tham vọng về chip của Đức đang đóng vai trò then chốt vào sự phát triển chung của Liên minh châu Âu (EU), giúp khối tăng cường chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng phục hồi kinh tế và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ Đài Loan.

Bên cạnh Intel, TSMC cũng cho biết sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ Euro vào một nhà máy mới vào thành phố phía đông Dresden, cùng với nhà sản xuất chất bán dẫn NXP, Hà Lan, Bosrch và Infineon của Đức. Chính phủ Đức cam kết sẽ trợ cấp 5 tỷ Euro cho nhà máy này. Trong khi đó, cũng tại Dresden, Infineon đang xây dựng nhà máy trị giá 5 tỷ Euro, Bosch đầu tư 250 triệu Euro cho dự án phòng sạch và nhà sản xuất chip GlobalFoundries, Mỹ đang liên tục tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nhiều năm liền. Cả ba đều đang nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Đức.

Tuy nhiên, ngay cả khi Thủ tướng Olaf Scholz vẫn luôn giành sự ủng hộ cho các dự án này, phó Thủ tướng Robert Habeck cho biết vào tuần trước Chính phủ Đức có thể sẽ phải cắt giảm khoản trợ cấp cho ngành chip bán dẫn, một hạn chế lớn đối với tham vọng của Berlin.

Theo phía TSMC, nếu Chính phủ Đức giảm cam kết trợ cấp, công ty có thể sẽ phải đàm phán lại các điều khoản liên quan đến nhà máy Dresden, bao gồm cả những đối tác liên doanh từ Đức.

“Nếu chín tháng nữa không nhận được trợ cấp, chúng tôi buộc sẽ phải hủy bỏ dự án” – Một nhân viên cho biết.