Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng Ukraine - một năm nhìn lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine tại cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine diễn ra tại Minsk (Belarus) ngày 12/2.

Một năm đã trôi qua kể từ khi diễn ra các vụ biểu tình và đụng độ trên quảng trường Maidan ở Kiev, Tổng thống Yanukovych bí mật rời khỏi thủ đô, chính quyền Ukraine về tay một chế độ mới... – chuỗi sự kiện dẫn tới cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của quốc gia Đông Âu này kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991 và giai đoạn căng thẳng nhất trong mối quan hệ Đông - Tây.

 
Các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine tại cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine  diễn ra tại Minsk (Belarus) ngày 12/2.
Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine tại cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine diễn ra tại Minsk (Belarus) ngày 12/2.
Trong lúc trách nhiệm của các bên dẫn đến tình cảnh rối ren hiện nay vẫn đang được làm rõ, các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych là nhân vật có lỗi không ít hơn những người đã thực hiện cuộc chính biến tại Ukraine. Nếu ông Yanukovych tỉnh táo, bản lĩnh hơn để khôi phục trật tự ở thủ đô hoặc thậm chí là thừa nhận thất bại, tuyên bố từ chức để duy trì tính liên tục, ổn định của tiến trình lập hiến, khu vực Đông Âu sẽ không phải hứng chịu “cơn bão chính trị” và càng không bao giờ xảy ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn như ở Donbass. Sau khi ông Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU, con tàu Ukraine dưới sự điều khiển của vị thuyền trưởng non kinh nghiệm đã bắt đầu run rẩy, các TP ở phía Tây lần lượt tuột khỏi tầm kiểm soát và khi lặng lẽ rời khỏi đất nước, vị Tổng thống này không chỉ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình mà còn lưu dấu trong lịch sử như một yếu tố cấu thành cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Điều đáng nói là sau biến cố của một năm trước, cách xử lý tình hình của chính quyền Kiev mới cho thấy họ cũng không khá hơn người tiền nhiệm là mấy. Thay vì cùng ngồi vào bàn đàm phán với một sự quyết tâm và thiện chí cao thì giới chức Ukraine lại xin sự trợ giúp về quân sự từ phương Tây và ký kết hàng chục hợp đồng mua vũ khí. Động thái này cho thấy, thay vì hóa giải bất đồng với các cộng đồng đòi ly khai ở phía Đông, Kiev lại dùng súng đạn để “nói chuyện” trên thực địa. Nghi kỵ tăng thêm, mâu thuẫn chồng chất dẫn đến một điều tất yếu là không một bên nào chịu buông súng ngay cả khi các thỏa thuận ngừng bắn đã nhiều lần được đưa ra. 

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ chính trị toàn cầu, các sự kiện ở Ukraine là cái cớ để hai cực Đông – Tây tái diễn cuộc đấu tranh giữa hai cực Đông – Tây, vốn chưa phân thắng bại sau Chiến tranh Lạnh. Đã 25 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuộc khủng hoảng tại Ukraine một lần nữa đặt thế giới đứng trước tình thế nguy hiểm khi EU rơi vào tình cảnh chia rẽ sâu sắc, căng thẳng Nga - phương Tây thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến trên thực địa nếu không được kiềm chế. 

Thiệt hại về kinh tế và ngoại giao trong một năm qua là không thể đo đếm bởi Nga cùng một số nước EU đã phải mất một chặng đường dài để từ đối thủ trở thành đối tác và hai bên đều cảm thấy đã đến lúc phải dừng lại cuộc chiến này. Vì thế, nếu như cách đây vài tháng, không ai có thể hình dung được việc Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande xuất hiện ở Moscow thì nay, điều đó đã xảy ra. Không những thế, các cuộc hội đàm theo hình thức Normandy của nhóm bộ tứ: Nga, Pháp, Đức, Ukraine đã được tổ chức nhiều lần trong thời gian ngắn phản ánh một sự đồng thuận hiếm hoi về quan điểm của các bên là chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Đông Âu bằng biện pháp hòa bình. 

Cộng đồng quốc tế luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề và cần có thời gian để các bên nhận thức được tác động tiêu cực của một cuộc khủng hoảng. Do đó, tốc độ và cách thức tiếp cận, nhìn nhận của các bên sẽ quyết định việc giải quyết tình hình căng thẳng tại Ukraine trong thời gian bao lâu. Câu trả lời có thể đến trong một tháng hoặc một năm nữa khi thế giới nhìn nhận lại sự kiện này hay thậm chí là vài năm nữa.