Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch chống tham nhũng bớt lên gân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Biến dạng" của tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSƯT Anh Tú vừa ghi danh vào kịch mục chống tham nhũng của làng sân khấu Việt, nhưng ẩn sau đó là những bài học đầy nhân văn.

Đạo diễn Anh Tú đã nói đây là vở khó dựng vì "kịch lồng trong kịch", dễ ở văn bản chứ đưa lên sân khấu rất khó hình dung. Nhưng rồi anh cũng chọn được cách sắp xếp thời gian tuyến tính, đan xen những lời dẫn chuyện của nhân vật Hiếu, con trai ông Sát. Mở đầu là cảnh ẩn đằng sau tấm màn voan đen mờ, là quá khứ với xuất thân của nhân vật chính - ông Sát. Bà mẹ mang thai 9 tháng 25 ngày chưa hạ sinh được, chấp nhận từ bỏ mạng sống để cứu con, chỉ với lời nhắn nhủ mong con sống lương thiện. Cậu con trai tên Sát sau này có con đường sự nghiệp như được trải hoa hồng, 40 tuổi đã giữ chức vụ cấp cao. Câu chuyện diễn ra khi ông Sát cận kề tuổi hưu, nhưng liên tục bị ám ảnh bởi những sai trái trong quá khứ len vào mỗi giấc ngủ.
Kịch chống tham nhũng bớt lên gân - Ảnh 1
Ở tác phẩm "Tai biến" cũng do NSƯT Anh Tú dàn dựng, mục đích chống tham nhũng, lên án nhân vật quyết liệt hơn. Với "Biến dạng", đạo diễn chọn cách xử lý mềm mại hơn, khi đánh vào lương tâm của kẻ gây tội lỗi, để lương tâm cắn rứt, đau đớn hơn là phải chứng kiến hai đứa con hứng chịu luật nhân - quả "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước", nay con cũng đi theo vết xe đổ, cũng tham nhũng lộng quyền.

Kịch bản có ý tưởng chặt chẽ và bớt mang tính lên gân, dù đây là tác phẩm đặt hàng của Bộ VHTT&DL về công tác quản lý cán bộ. Sự mềm mại còn thể hiện ở tuyến nhân vật chính diện. Là ông Vạn, anh vợ ông Sát bị chính em rể hãm hại mang thương tật suốt đời, nhưng sẵn sàng tha thứ. Ông Hòa, người em cùng cha khác mẹ với Sát tạo thế cân bằng, luôn khuyến khích người anh dừng lại dù đã muộn. Nhất là Hiếu, con trai ông Sát dù sợ bố, không nhận ra người bố nay quá khác, nhưng một mực hiếu lễ, yêu thương.
Kịch chống tham nhũng bớt lên gân - Ảnh 2
Cảm giác khi xem "Biến dạng" (đêm tổng duyệt 8/2) là không quá nặng nề. "Họa phúc có nguồn đâu một buổi"; "Khi tay đã chót nhứng chàm phải biết dừng lại, phải biết quay đầu về bờ thiện"; "Lật bàn tay lên, úp bàn tay xuống, trắng - đen hai phía vẫn tay mình", những triết lý mà ông Sát ngộ ra, thức tỉnh lương tri đồng thời khiến khán giả phải suy ngẫm. Dù vở kịch khá chặt chẽ, mạch lạc tuy nhiên vẫn có thể cắt bớt một số đoạn mang tính giao đãi, đôi chỗ lời thoại vẫn hơi dài dòng, thuyết giáo hơi thừa.

Ngoài vai chính do Sỹ Tiến đảm nhận, vở kịch cũng quy tụ dàn diễn viên khá "cứng" của Nhà hát Tuổi trẻ: Nguyệt Hằng, Bá Anh, Thanh Sơn, Ngọc Tuấn, Quỳnh Dương, Quang Ánh, Tú Oanh, Hoa Thúy, Du Ka.