Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kích hoạt Brexit - Kịch bản nào cho cuộc chia tay êm thấm?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh (Brexit). Nhiều sóng gió được dự báo cho cuộc “ly hôn” này.

Ly hôn phí gần 60 tỷ Euro
Mặc dù thực hiện đúng lịch trình kích hoạt Điều 50 vào cuối tháng 3, nhưng Thủ tướng Anh Theresa May có thể sẽ phải chờ thêm 4 - 6 tuần nữa để chính thức ngồi vào bàn đàm phán với EU. Trong khoảng thời gian này, 27 thành viên EU sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về việc khởi động tiến trình đàm phán Brexit với Anh.
Nhiều khó khăn được dự báo trong đàm phán Brexit.
Ngay sau khi bà May ấn định thời điểm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29/3, ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, "bóng gió" trên mạng Twitter rằng tất cả 27 thành viên còn lại của liên minh này đã sẵn sàng áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động hải quan. Ông Barnier cũng cảnh báo rằng khoảng thời gian 2 năm đàm phán không đủ để mang lại cho nước Anh một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU.
Đặc biệt, ông Barnier cho biết, Anh có thể sẽ phải trả cho EU từ 55 - 60 tỷ Euro (tương đương 59 - 65 tỷ USD). “Không có giá cho một quốc gia để rời khỏi liên minh, nhưng chúng tôi phải giải quyết các vấn đề. Không hơn không kém”, nhà lãnh đạo EU Michel Barnier nhấn mạnh.
Tờ The Guardian của Anh dự báo, bà May sẽ phải vượt qua nhiều thách thức khi bà bắt đầu tiến trình đàm phán được coi là phức tạp nhất lịch sử nền chính trị nước Anh.
Kịch bản “được ăn cả - ngã về không”
Bà May luôn giữ thái độ cứng rắn về các cuộc đàm phán với EU, đặc biệt trong vấn đề nhập cư và thương mại. Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ đáp ứng nhu cầu chính của chiến dịch Brexit bằng cách cắt giảm số lượng người nhập cư EU di chuyển sang Anh - khoảng hàng trăm nghìn người mỗi năm, và đưa Anh ra khỏi cơ chế thị trường duy nhất để thực hiện điều này. Bà May ủng hộ một cuộc "dọn dẹp sạch sẽ" nhưng cũng muốn có một thời kỳ “quá độ” để Anh có thể thích nghi với các sự thay đổi.
Bà Theresa May giữ thái độ cứng rắn trong vấn đề nhập cư.
Như vậy, với thái độ cứng rắn của cả 2 bên, khi quá trình đếm ngược bắt đầu, khả năng các cuộc đàm phán bị phá vỡ sẽ xảy ra và Anh sẽ bị buộc phải rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Theo một nhóm nghiên cứu ở châu Âu, nếu khả năng này xảy ra, Anh và EU sẽ phải tiến hành các hoạt động thương mại với mức thuế cao hơn hiện tại, theo các quy tắc thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nhà lãnh đạo DN đã cảnh báo, đây sẽ là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Con đường cô lập và rút lui khỏi các đồng minh gần nhất có thể khiến Anh không có thỏa thuận gì, hoặc nếu có, thì là một thỏa thuận vô cùng khắt khe, cây bút bình luận Keir Starmer của tờ The Guardian cảnh báo.
“Cách tiếp cận cứng rắn đối với Brexit sẽ là thảm khốc và chia r, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, mức sống và xã hội của nước Anh”, ông Stermer nhấn mạnh. Đồng thời, cây bút bình luận của tờ The Guardian cho rằng, trong một thế giới phức tạp và bất ổn, ngay cả khi không phải là thành viên của EU, Anh nên là một đối tác tốt.