Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt dịch bệnh trong dịp Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm tăng mạnh, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao.

Tăng cường chốt trực

Càng về cuối năm, hoạt động của chợ gia cầm Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín - chợ gia cầm đầu mối lớn nhất TP càng trở nên nhộn nhịp. Thống kê của Ban Quản lý chợ Hà Vỹ cho thấy, thông thường lượng gia cầm tiêu thụ mỗi ngày tại chợ khoảng 20.000 con nhưng vào dịp Tết tăng lên gấp đôi. Ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín cho biết, để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, Trạm đã tăng cường lực lượng tập trung quản lý gia cầm nhập về chợ Hà Vỹ, chốt trực 3 ca/ngày. “Ngoài ra, Trạm còn phối hợp với Cục Thú y lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm. Đến nay vẫn chưa phát hiện mẫu gia cầm nào dương tính với cúm A/H5N1, H1N1, H5N6 và H7N9” - ông Tĩnh cho hay.
Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. 	Ảnh: Quang Thiện
Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Ảnh: Quang Thiện
Tại huyện Ứng Hòa, nhận định thời điểm cận Tết, tình hình vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm có chiều hướng tăng mạnh, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện tập trung kiểm soát quyết liệt khâu giết mổ, đảm bảo ATTP và không làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân sử dụng các sản phẩm động vật rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, giữa tháng 1, UBND huyện Ứng Hòa cũng có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chợ buôn bán gia cầm sống, kiên quyết xử lý những trường hợp gia cầm không rõ nguồn gốc.

Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn các thực phẩm có nguồn gốc động vật với số lượng từ 800 - 1.000 tấn thịt mỗi ngày, nhất là dịp Tết, lượng gia súc, gia cầm từ các tỉnh, thành chuyển về Thủ đô ngày càng nhiều. Do vậy, công tác kiểm soát thú y cần phải được quan tâm đặc biệt. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, đơn vị hiện vẫn thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát sự lưu hành của các chủng virus cúm tại các chợ để kịp thời phát hiện, xử lý khi có dịch.

Không nên chủ quan

Ngoài tăng cường kiểm soát thú y, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban Chăn nuôi – Thú y tại 569 xã, phường trên địa bàn TP với lực lượng trên 2.300 thú y viên. Đây là cơ sở quan trọng để làm tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nôi cho biết, cho đến nay, trên địa bàn TP đã không còn gia cầm nhập lậu.

Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất của tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho thấy, nguy cơ lây lan dịch vẫn có thể xảy ra. Chỉ trong vòng tuần đầu tiên của năm 2016, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum rồi tiếp tục lan rộng. Hiện nay, cả nước còn 5 ổ dịch cúm gia cầm cúm A/H5N6 xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang và Lạng Sơn chưa qua 21 ngày với số lượng gia cầm mắc bệnh là hơn 3.500 con. Ngoài ra, có 27 ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc tại 6 tỉnh, TP.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, diễn biến phức tạp của thời tiết khiến cho nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm thời gian tới là rất cao, trong đó có virus cúm A/H7N9 từ phía Trung Quốc. Do vậy, các địa phương không nên chủ quan, lơi là trong phòng chống dịch, nhất là các tỉnh giáp biên giới. Theo ông Tám, trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cần tăng cường các biện pháp phòng chống, không để dịch xảy ra. Trọng tâm là khi phát hiện có dịch phải tập trung khoanh vùng dập dịch và xử lý ngay từ ổ dịch kết hợp việc giám sát chủ động việc lưu hành của virus.