Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt dịch tả lợn châu Phi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, cùng với các bộ, ngành, địa phương khác trên cả nước, Hà Nội đang chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống, bảo vệ đàn lợn.

Chăn nuôi lợn tại huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Nguy cơ xâm nhiễm cao

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng đàn lợn trên địa bàn TP hiện có khoảng 2,04 triệu con. Với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành chăn nuôi lợn của Hà Nội đang dần phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, xa khu dân cư.
Để công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập lợn và sản phẩm từ lợn từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Phát động “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng” trên diện rộng để ngăn chặn bệnh dịch đồng bộ. Đồng thời, tăng cường hệ thống thú y cơ sở để kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi bệnh dịch phát sinh… 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu
Đến nay, đã có 283 công ty, xí nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi lợn theo quy mô tập trung với khoảng 450.000 con (chiếm trên 22% tổng đàn lợn toàn TP). Tỷ trọng lớn còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là điều kiện thuận lợi để các nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Những ngày gần đây, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi liên tục nóng lên. Hà Nội là một trong số những địa phương có nguy cơ cao bị xâm nhiễm. Nguyên nhân được Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra là do Hà Nội nằm không quá xa biên giới phía Bắc, tiếp giáp với Trung Quốc - nước láng giềng đã có tới 6 tỉnh bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hà Nội còn nằm giáp ranh với 8 tỉnh, TP, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào Thủ đô, vì vậy, nguy cơ xâm nhiễm càng cao hơn. Bên cạnh đó, công tác quản lý dịch bệnh động vật, kiểm soát giết mổ của TP còn nhiều khó khăn; dịp cuối năm, lượng tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ lợn cũng tăng cao khiến nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch là không thể xem nhẹ. 
Giám sát bệnh dịch tới tận thôn, xóm
Hiện nay, mỗi ngày các đơn vị chức năng của TP duy trì tổ chức kiểm dịch được khoảng 4.000 con lợn nhập về tiêu thụ tại nội đô. 998 cơ sở, điểm giết mổ đang được TP kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại lò mổ lợn tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), nơi giết mổ khoảng 2.000 con/ngày, trong đó, có tới 70% được nhập từ các tỉnh, TP lân cận.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo việc củng cố hệ thống thú y cơ sở. Các cơ quan thú y đã tiến hành hai đợt tiêm phòng cho 100% đàn lợn. Các địa phương đã tổ chức hai đợt tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng được trên 287 triệu m2. Nhờ làm tốt công tác phòng chống, từ đầu năm 2018 đến nay, TP không để xảy ra dịch bệnh lớn, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn như tai xanh, lở mồm long móng…
Đối với nguy cơ bùng phát và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai thông tin, tuyên truyền đến chính quyền các cấp và người dân, nhất là các hộ chăn nuôi về mối hiểm họa và nguy cơ lây nhiễm của bệnh này. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch động vật lưu thông tại các chợ đầu mối, điểm giết mổ, nhất là thịt nhập từ các tỉnh biên giới về Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục giám sát chặt tình hình dịch bệnh tới tận thôn, xóm. Tiếp tục phát động tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động nhập lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ trên địa bàn TP.