Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt việc nhân nuôi ốc bươu vàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp theo thông tin về tình hình thu mua ốc bươu vàng trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc thu gom ốc bươu vàng là rất có lợi.

Nếu người dân bắt ốc ở ngoài tự nhiên về cho ngan, vịt ăn là rất tốt. Tuy nhiên, cần phải có chế tài giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng nhân nuôi ốc bươu vàng.

Thực tế trong thời gian qua, tại một số địa phương có tình trạng nhân nuôi sinh vật có hại. Chẳng hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long có hiện tượng nuôi chuột. Ông Hồng thông tin thêm, cách đây hai năm tại An Giang, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý khoảng 5 tấn chuột nuôi.

Ông Phạm Khánh Ly - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) cũng cho biết, thời gian qua, Vụ đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra. Qua đó, phát hiện có tình trạng thu mua ốc bươu vàng, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và TP Hồ Chí Minh. Theo ông Ly, việc thu gom ốc bươu vàng trong tự nhiên thời điểm này cũng ít vì ốc khan hiếm.

 
Bãi vỏ ốc bươu vàng tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã được dọn
Bãi vỏ ốc bươu vàng tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã được dọn
Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản nghiêm cấm việc nhân nuôi loài sinh vật có hại như ốc bươu vàng, chuột...

Theo đó, các hành vi vi phạm sẽ xử phạt hành chính theo Nghị định 26/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật. Nghị định này có hiệu lực tới ngày 19/11/2013. Còn từ ngày 20/11/2013, việc xử phạt sẽ theo Nghị định 114/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong đó, phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, vận chuyển, nhân nuôi, lưu giữ, phóng thích dịch hại nguy hiểm đối với tài nguyên thực vật mà không được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho phép bằng văn bản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng khẳng định, việc người dân bắt, thu gom ốc bươu vàng có hai cái lợi. Thứ nhất, là hạn chế sinh vật gây hại cho cây trồng. Thứ hai là giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động này phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh phát tán ốc ra đồng ruộng và bảo vệ môi trường. Bà Thu đề nghị Cục Bảo vệ thực vật có biện pháp quản lý theo hướng cho phép người dân bắt, gom bán ốc bươu vàng nhưng cấm nhân nuôi, phát tán ra ngoài môi trường.