Quyết sách kịp thời
Nhận định về tình hình kinh tế 9 tháng qua, báo cáo của Chính phủ khẳng định, nhờ phân tích tình hình và kịp thời đưa ra những quyết sách đúng đắn ngay từ đầu năm, nên lạm phát giảm dần, từ tháng 5/2011 mức giá tiêu dùng đã giảm; 9 tháng tăng 16,63%, cả năm ước tăng 18%. Cùng với đó, sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc được tập trung chăm lo bảo đảm; hoạt động khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo; Cải cách hành chính đạt kết quả thiết thực, phòng chống tham những được quan tâm chỉ đạo; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại đạt những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phức tạp và rất khó dự báo, Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đưa ra 7 nhóm giải pháp. Theo đó, năm 2012, xác định việc ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách. Ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động chất lượng thấp sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc... Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy quản lý khoa học và công nghệ. Phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, chú trọng cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản. Tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. Từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững
Mặc dù đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ, nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội vẫn cho rằng: kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững. Nhận định này căn cứ trên cơ sở hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu, tích tụ từ những năm trước và khó khăn mới phát sinh do tác động mặt trái của việc thực thi các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành.
Cùng với khó khăn của nền kinh tế, các vấn đề xã hội cũng có chiều hướng phức tạp. Tình hình phạm tội, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình gia tăng, tai nạn, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, khiếu kiện xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng giáo dục - đào tạo chuyển biến còn chậm; tình trạng quá tải tại các bệnh viện trung ương chưa giảm, trong khi chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới còn thấp. Đời sống và việc làm của người lao động bị ảnh hưởng do lạm phát, giá cả tăng cao. Giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu. Tăng cường thanh tra, giám sát tính an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm nay chủ yếu để giảm bội chi ngân sách, dự phòng tăng chi bảo đảm an sinh xã hội và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh phát sinh ngoài dự toán. Kiểm tra và xử lý tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, dừng đầu tư đối với dự án qua kiểm tra xét thấy không hiệu quả và có biện pháp xử lý dứt điểm. Tiếp tục các biện pháp giảm nhập siêu, cùng với các biện pháp tăng xuất khẩu cần kiểm soát hiệu quả để giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.